3 tháng trước, chị Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội) bỏ ra 8,75 triệu đồng để mua một con robot hút bụi Ecovacs Deebot T10 Turbo bản nội địa Trung Quốc. So với hàng chính hãng đang được bán tại các đại lý lớn, phiên bản “nội địa” này có giá rẻ hơn khoảng 6 triệu đồng.
Thời điểm đó, chị được cửa hàng tư vấn rằng phiên bản nội địa này sở hữu đầy đủ các tính năng như bản quốc tế, chỉ cần cài thêm phần mềm phụ vào điện thoại là có thể sử dụng hoàn toàn bình thường.
Gặp rắc rối vì hàng “nội địa”
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, ứng dụng để điều khiển robot của chị bỗng dưng bị chặn hoàn toàn khiến con robot gần như mất hết toàn bộ giá trị. Hàng loạt tính năng quan trọng nhất như cài đặt chế độ hút bụi, lập bản đồ, cài tường ảo, lập lịch trình hút hàng ngày vv… đều bị vô hiệu quá.
Truy cập vào các hội nhóm dành cho người sử dụng robot hút bụi, chị nhận thấy có hàng loạt người dùng gặp phải vấn đề tương tự. Nhiều người cho biết đã mua các dòng robot nội địa loại cao cấp nhưng giờ đây cũng không thể xem camera, liên lạc từ xa với robot. Đặc biệt, người dùng hiện không thể cài đặt cho robot dọn dẹp nhà từ xa trong khoảng thời gian đi làm như trước đây.
Liên hệ với đơn vị bán hàng, chị Hoàng Anh nhận được thông báo rằng có thể là do ứng dụng bị lỗi. Tuy nhiên đến nay đã khoảng 3 tuần, tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia, không có chuyện ứng dụng điều khiển robot hút bụi bị lỗi trong thời gian dài như vậy.
Thực chất, từ tháng 12/2022, hãng Ecovacs đã ra thông báo không hỗ trợ ứng dụng với robot phiên bản nội địa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, các sản phẩm nội địa không thể sử dụng ứng dụng để thực hiện bất cứ thao tác nào.
Trong khi đó, phiên bản ứng dụng phụ “cài thêm” mà các đơn vị bán hàng yêu cầu người dùng cài vào chính là ứng dụng “hack” nhằm lách việc chặn ứng dụng từ nhà sản xuất. Đến đầu tháng 7, ứng dụng hack này tiếp tục bị chặn triệt để từ nhà sản xuất. Đó là lý do khiến những người như chị Hoàng Anh không thể sử dụng ứng dụng để điều khiển robot nội địa.
Đại diện Ecovacs xác nhận thông tin không hỗ trợ dùng ứng dụng cho các sản phẩm nội địa Trung Quốc với các thị trường quốc tế từ tháng 12/2022 và chặn triệt để với cả các ứng dụng "lậu" từ tháng 7/2023.
"Các sản phẩm được hãng phân phối ra thị trường quốc tế, như với Việt Nam đều được tối ưu ứng dụng cho cho phù hợp với người dùng tại nước đó. Các sản phẩm gắn mác nội địa, trưng bày, nhập khẩu không chính ngạch về Việt Nam không đảm bảo chất lượng, bị hạn chế ứng dụng, không được bảo hành đúng quy trình dẫn tới ảnh hưởng uy tín của hãng tại Việt Nam", ông Chris Ma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Ecovacs nói.
Thực tế, Ecovacs không phải hãng duy nhất tiến hành chặn ứng dụng cho các sản phẩm phiên bản “nội địa”. Cả Xiaomi hay Robodock đều có các biện pháp tương tự để loại bỏ hàng “nội địa” cho các thị trường quốc tế.
Những người có am hiểu với thị trường khẳng định các sản phẩm robot hút bụi “nội địa” có giá bán rẻ hơn so với hàng chính hãng do bản chất là hàng nhập lậu, không phải chịu các loại thuế, phí hay chi phí kiểm định. Khi sản phẩm gặp vấn đề, sản phẩm cũng sẽ được cửa hàng tự bảo hành, đôi khi sử dụng linh kiện nhái, không chính hãng để tiết kiệm chi phí, gây ra rắc rối cho người sử dụng.
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, ngoài chất lượng sản phẩm không đảm bảo, việc sử dụng phần mềm crack theo hướng dẫn của người bán có thể cũng khiến người dùng gặp phải rủi ro về an toàn dữ liệu trên điện thoại. “Sản phẩm Ecovacs là sản phẩm gia dụng công nghệ. Vì thế trong tương lai chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật ứng dụng để tối ưu hóa phần mềm cũng như ngăn chặn các phần mềm độc hại như trên”, đại diện Ecovacs nói.