Mới đây, AAF đã thống kê sản lượng tiêu thụ ôtô của 7 nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á bao gồm Philipines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Myanmar.
Theo thống kê từ AFF, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực về doanh số ôtô trong nửa đầu năm nay. Với 201.840 xe được bán ra, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng doanh số ôtô cao nhất Đông Nam Á.
Sáu tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.115 ôtô các loại được bán ra tại thị trường Việt Nam.
Indonesia tiếp tục giữ vững ngôi vương với 475.321 xe được bán ra, tăng khoảng 20,8% so với cùng kỳ. Dù đã tăng đến 22,6% doanh số xe bán ra trong nửa đầu năm, thị trường Thái Lan chỉ đạt vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng với 457.622 xe. Malaysia xếp ở vị trí thứ 3 với 331.386 xe được bán ra thị trường, tăng 33% so với cùng kỳ.
Thống kê cũng ghi nhận mức giảm đáng kể lượng tiêu thụ xe tại Singapore với doanh số cộng dồn nửa đầu chỉ 21.965 xe, thấp hơn cùng kỳ năm trước 34,2%.
Về mặt lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước, Việt Nam cũng xếp thứ 4 trong khu vực với 124.946 xe được lắp ráp, tăng khoảng 28,3% so với cùng kỳ. Thái Lan là nước có sản lượng ôtô lắp ráp cao nhất khu vực với khoảng 911.087 xe, tiếp đến là Indonesia với 658.285 xe trong nửa đầu năm.
Những năm gần đây, sản lượng ôtô được xuất khẩu từ thị trường Indonesia tăng mạnh nhờ nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư, giúp nước này rút ngắn khoảng cách với Thái Lan.
Trong tháng 7, giá trị kim ngạch của các mẫu ôtô nhập khẩu từ thị trường Indonesia vào Việt Nam đã tăng đến 54,7%, đạt 7.825 xe. Như vậy, thị trường này lại tiếp tục vượt qua Thái Lan và đứng đầu bảng xếp hạng doanh số các nước nhập khẩu ôtô vào Việt Nam.
Điều này được lý giải bởi trong những tháng vừa qua, nhiều mẫu xe đến từ thị trường Thái Lan như Toyota Hilux, Honda Brio đã chính thức vắng bóng tại Việt Nam do không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Thêm vào đó, thị trường xe nhập tại Indonesia lại có thêm nhiều mẫu mã mới như Hyundai Creta.