Trong dự báo mới nhất, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho rằng tỷ lệ nợ của Chính phủ liên bang Mỹ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng từ mức 97% trong năm nay lên mức 116% GDP vào năm 2034 - cao hơn cả thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một nghiên cứu của hãng tin Bloomberg cho thấy triển vọng thậm chí còn u ám hơn.
Các dự báo mà CBO đưa ra vào đầu năm nay đều dựa trên nhận định lạc quan về các yếu tố từ thu ngân sách từ thuế đến chi tiêu quốc phòng và lãi suất. Tuy nhiên, nếu xét tới kỳ vọng lãi suất hiện tại trên thị trường, tỷ lệ nợ công so với GDP của Chính phủ Mỹ đã có thể tăng tới 123% vào năm 2034. Tiếp đó, nếu giả định các biện pháp cắt giảm thuế từ thời Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì - như dự báo của hầu hết mọi người ở Washington - gánh nặng nợ nần sẽ càng lớn hơn nữa.
Bấp bênh khối nợ ngày càng lớn
Với quá nhiều biến số khó lường, các chuyên gia của Bloomberg Economics đã sử dụng mô hình dự báo tạo ra 1 triệu trường hợp giả định để đánh giá về triển vọng nợ nần của Chính phủ Mỹ. 88% trường hợp trong số này cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ đang đi theo chiều hướng không bền vững, thể hiện qua mức độ tăng trưởng nợ trong vòng 1 thập kỷ tới.
Điều này trái ngược với các tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi các quan chức nói rằng việc ngân sách liên bang thời ông Biden - với các biện pháp tăng thuế đối với các doanh nghiệp và tầng lớp giàu - sẽ đảm bảo bền vững tài khoá và chi phí vay nợ trong tầm kiểm soát.
“Tôi thực sự tin rằng chúng ta cần giảm thâm hụt ngân sách và duy trì hướng đi tài khoá bền vững. Các đề xuất ngân sách của Chính phủ mang tới cơ hội giảm mạnh thâm hụt ngân sách để tiếp tục giữ chi phí lãi vay ở mức hợp lý. Nhưng chúng ta cần cùng nhau hành động để đạt được điều đó”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước các nghị sỹ nước này hồi tháng 2 năm nay.
Vấn đề nằm ở chỗ việc thực thi một kế hoạch như vậy đòi hỏi hành động từ Quốc hội Mỹ, trong khi Quốc hội đang có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà. Các nghị sỹ Cộng hoà - những người kiểm soát Hạ viện - muốn cắt giảm mạnh chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, nhưng lại không đưa ra chi tiết cụ thể về những khoản chi mà họ muốn cắt giảm. Phe Dân chủ - những người nắm đa số ở Thượng viện - cho rằng chi tiêu không phải là nguyên nhân chính bào mòn sự bền vững của nợ, mà lãi suất và thu ngân sách từ thuế mới là những yếu tố then chốt. Ngoài ra, cả hai đảng đều không muốn cắt giảm chương trình phúc lợi lớn như An sinh xã hội (Social Security) hay chăm sóc y tế Medicare.
Xét cho cùng, nước Mỹ có thể phải cần đến một cuộc khủng hoảng - có thể là một cuộc hỗn loạn trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ do Washington bị hạ điểm tín nhiệm, hoặc sự hoảng loạn về tình trạng cạn kiệt của các quỹ tín thác của chương trình Medicare hoặc An sinh xã hội - thì các nghị sỹ mới bắt buộc phải hành động. Nhưng đó là một hành động “đùa với lửa” đầy nguy hiểm đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của Bloomberg.
Câu chuyện của mùa hè năm ngoái đã cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể bắt đầu như thế nào. Trong vòng hai ngày của tháng 8, việc tổ chức Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ và việc Chính phủ Mỹ tăng phát hành trái phiếu dài hạn đã khiến nhà đầu tư lo sợ về rủi ro. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sau đó đã tăng 1 điểm phần trăm, đạt 5% trong tháng 10 - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ rưỡi.
Mối lo của giới chức Mỹ và các nhà đầu tư
Nhiều quan chức và cựu quan chức của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về triển vọng nợ nần của nước này trong dài hạn. Đầu năm nay, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói “có lẽ đã đến lúc, thậm chí hơi muộn” để các chính trị gia sửa chữa con đường vay nợ “thiếu bền vững”. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Robert Rubin hồi tháng 1 nói nước này đang ở trong một “vị thế tồi tệ” xét tới thâm hụt ngân sách.
Giới tài chính cũng quan ngại không kém. Nhà sáng lập công ty quản lý quỹ phòng Citadel, ông Ken Griffin, nhận định trong một lá thư gửi nhà đầu tư hôm 1/4 rằng nợ công của Mỹ là một “mối lo ngày càng lớn không thể xem nhẹ”. Trước đó vài ngày, CEO Larry Fink của công ty quản lý tài sản BlackRock nhận định tình hình nợ công của Mỹ “đang cấp bách hơn những gì tôi có thể nhớ được”.
Trong số 5% kết quả dự báo tệ nhất mà mô hình của Bloomberg đưa ra, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ vào năm 2034 sẽ vượt mức 139%. Điều này có nghĩa là Mỹ vào năm 2034 sẽ có tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn cả mức của Italy - một quốc gia thường xuyên mấp mé bờ vực khủng hoảng nợ - vào năm ngoái.
Như đã nói ở trên, để con đường nợ của Mỹ trở nên bền vững, Quốc hội nước này cần hành động. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trước đây không mang tới điều gì hứa hẹn. Chẳng hạn, những bất đồng về chi tiêu chính phủ đã lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm ngoái, khi bế tắc về trần nợ khiến Mỹ bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ. Sau đó, các bên đã đạt thoả thuận đình chỉ trần nợ cho tới ngày 1/1/2025, tức là trì hoãn một cuộc đấu tiếp theo về vấn đề này cho tới sau bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
Không dễ để hình dung một cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ. Bởi một lẽ, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trên thực tế, sự trở đi trở lại hàng năm của việc Chính phủ đối mặt nguy cơ đóng cửa vì hết ngân sách thường hầu như không để lại một gợn sóng nào trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, thế giới đang thay đổi. Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang làm suy yếu vai trò của đồng USD trong thanh toán thương mại, tài chính xuyên biên giới và dự trữ ngoại hối. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm thị phần ngày càng giảm trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, dẫn tới một “bài kiểm tra” về sự ham thích của nhà đầu tư tại Mỹ trong bối cảnh mức nợ liên bang ngày càng tăng. Và mặc dù nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng động lực đó không phải lúc nào cũng tồn tại.