Anna Luan đang lo lắng về tương lai. Công ty internet ở Thượng Hải nơi cô làm việc không trả lương đầy đủ cho cô từ hồi tháng 4, khi thành phố áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19.
May mắn là cô gái 30 tuổi này đã tích lũy tiền tiết kiệm trong suốt đại dịch và giờ đây có tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt thường ngày. Luan cũng dùng một phần trong số tiền tiết kiệm đó để trả khoản nợ thế chấp mua nhà 200.000 Nhân dân tệ (29.530 USD) cho 2 căn nhà của mình ở quê nhà Thường Châu, thuộc tỉnh Giang Tô.
“Rất nhiều công ty đang sa thải nhân viên và giảm lương”, Luan cho biết. “Bây giờ tôi chỉ muốn tiết kiệm mọi khoản tiền nhàn rỗi mà mình có và thậm chí không dám chi tiêu”.
BÓP NGHẸT TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG DÀI HẠN
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều khảo sát gần đây cho thấy các hộ gia đình ở Trung Quốc đang bi quan hơn về tăng trưởng thu nhập tương lai hơn so với trước đây, thậm chí bi quan hơn so với giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020 hoặc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tâm lý này thúc đẩy họ giảm các khoản nợ và tăng cường tiết kiệm – một xu hướng có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm.
Trong nửa đầu năm 2022, tổng số tiền gửi tại ngân hàng của các hộ gia đình Trung Quốc là 10.300 tỷ Nhân dân tệ, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng kỷ lục. Trong khi đó, nợ hộ gia đình chỉ tăng khoảng 8%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2007.
Các hộ gia đình ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều lý do để cảm thấy bi quan về tương lai. Nền kinh tế giảm tốc là một trong số đó. Tài sản của các hộ gia đình chịu cú sốc lớn do giá nhà giảm, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, gần 20% trong tháng 7, gấp hơn 2 lần so với ở Mỹ.
"Có quá nhiều thứ mà chúng ta không thể kiểm soát hoặc lường trước được vì Covid. Chúng tôi muốn trả xong các khoản vay của mình bằng tiền mặt nhàn rỗi hiện có".
MỘT DOANH NHÂN Ở THƯỢNG HẢI
Theo nguồn tin của Bloomberg, một số quan chức nước này thừa nhận rằng mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,5% năm nay không thể đạt được.
Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng thu nhập sau khi điều chỉnh theo lạm phát của hộ gia đình tại các khu vực đô thị Trung Quốc chỉ đạt 1,9% trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ mức năm 2021 tăng tới 10,7%. Chi tiêu hộ gia đình thậm chí còn giảm tốc nhanh hơn, với doanh thu bán lẻ giảm gần 1% trong cùng giai đoạn.
Trung Quốc từ lâu có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, một phần vì nước này không có mạng lưới an sinh rộng khắp, nên các hộ gia đình phải dựa vào nguồn lực của chính mình cho việc điều trị y tế và về hưu. Tuy vậy, tỷ trọng thu nhập dành cho tiết kiệm của các hộ gia đình nước này đã giảm dần trong nhiều hơn một thập kỷ qua, từ khoảng 40% thu nhập khả dụng năm 2010 xuống còn khoảng 35% năm 2019, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cho đến gần đây, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn tự tin vào khả năng kiếm tiền của mình để vay tiền và tăng chi tiêu thêm nữa. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của nước này đã tăng gấp đôi lên khoảng 60% trong thập kỷ trước khi đại dịch bùng phát, giai đoạn mà các ngân hàng dễ dàng cung cấp các khoản vay thế chấp mua nhà hơn, tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản.
Theo dữ liệu chính thức, số lượng các công ty cho vay tiêu dùng tăng lên đáng kể cũng đã kích thích mạnh mẽ chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc, đạt mức tăng trưởng gần 7%/năm (đã điều chỉnh theo lạm phát) trong 6 năm trước đại dịch.
BẤT ỔN KHI YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH 50% GDP KHÔNG XUẤT HIỆN
“Một trong những lầm tưởng tai hại nhất về nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế này không được thúc đẩy bởi người tiêu dùng”, ông Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, viết trong một báo cáo gửi khách hàng gần đây. “Trên thực tế, sự kết hợp giữa tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư luôn chiếm 50% hoặc hơn trong GDP của nước này. Tình trạng bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc vài tháng qua cho thấy chính xác điều gì sẽ xảy ra khi yếu tố quyết định một nửa GDP không xuất hiện”.
Đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, tác động của việc này rất rõ ràng. Chuỗi cà phê Mỹ Starbucks Corp. ghi nhận doanh thu tại Trung Quốc giảm tới 44% trong quý kết thúc vào ngày 3/7. Trong khi đó, doanh thu ở thị trường này của hãng thời trang thể thao Nike cũng giảm 20% trong quý 2.
Ngay cả các hãng bán lẻ trực tuyến được hưởng lợi lớn từ đại dịch trước đây cũng đang rơi vào khó khăn. Doanh thu thương mại điện tử trong nước của tập đoàn Trung Quốc Alibaba đã giảm 1% trong quý 2.
Nợ hộ gia đình tích tụ trước đại dịch từng làm dấy lên lo ngại đối về sự ổn định tài chính. Nhưng giờ đây, tính tiết kiệm của những người như Luan – nhân viên hãng công nghệ ở Thượng Hải nói trên – đang làm gia tăng mối lo về việc Trung Quốc có thể mắc kẹt trong vòng xoáy đi xuống.
Kinh nghiệm ở Nhật Bản sau vụ vỡ bong bóng giá tài sản vào những năm 1990 và ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy rằng việc các hộ gia đình giảm vay nợ đáng kể trong một thời gian dài có thể gây ra những hậu quả với giá trị tài sản và tiêu dùng trong dài hạn – theo một báo cáo của hãng nghiên cứu BCA Research Inc.
Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thái độ đối với các khoản nợ là ngân hàng Bank of Communications Co. đầu tháng này thông báo kế hoạch áp dụng hình phạt với những người trả nợ vay thế chấp mua nhà trước hạn. Kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng Trung Quốc, buộc ngân hàng phải gỡ thông báo khỏi trang web chính thức chỉ sau một ngày đăng tải.
“Xu hướng này sẽ kéo dài cho đến khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất để không khuyến khích việc tiết kiệm nữa và thúc đẩy vay nợ, giá nhà sẽ bắt đầu tăng, và việc làm cũng như thu nhập được cải thiện sẽ vực dậy niềm tin của các hộ gia đình”, ông Arthur Budaghyan, chiến lược gia trưởng về thị trường mới nổi tại BCA Research, nhận định.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuần này đã giảm lãi suất tham chiếu 0,1 điểm phần trăm – lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1. Tuy nhiên, phạm vi nới lỏng chính sách tiền tệ này có phần hạn chế vì có nguy cơ làm mất ổn định dòng vốn khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều tăng lãi suất mạnh.
Bắc Kinh khẳng định muốn thúc đẩy tiêu dùng, nhưng không giống nhiều nước phát triển và đang phát triển, Trung Quốc đã hạn chế việc phát tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch.
Zhu He, phó trưởng nhóm nghiên cứu của China Finance 40 Forum, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, làn sóng ngừng trả nợ vay thế chấp mua nhà gần đây của hàng chục nghìn hộ gia đình trung lưu ở Trung Quốc không chỉ phản ánh những lo lắng về việc giao nhà của các dự án mà còn cho thấy một số tập đoàn đang đối mặt với áp lực dòng tiền lớn.
Một nữ doanh nhân ở Thượng Hải, có họ là Ma, cho biết bà đã hủy bỏ kế hoạch vay thêm tiền để mua một ngôi nhà khác trong năm nay của mình. Thay vào đó, bà đã trả trước hạn khoản nợ 4 triệu Nhân dân tệ cho 4 căn hộ của mình. Bà đưa ra quyết định này sau khi trải qua 2 tháng phong tỏa với các hoạt động kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng.
“Có quá nhiều thứ mà chúng ta không thể kiểm soát hoặc lường trước được vì Covid. Chúng tôi muốn trả xong các khoản vay của mình bằng tiền mặt nhàn rỗi hiện có”, bà Ma chia sẻ.