Guardian hôm 15/9 đưa tin hàng dài người xếp hàng trước trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh tại phố Threadneedle, London để đổi mẫu tiền giấy mệnh giá 20 bảng Anh (GBP) và 50 GBP sang mẫu tiền mới bằng polymer.
Hồi tháng 6, ngân hàng Anh ra tuyên bố ngày 30/9 sẽ là hạn chót mẫu tiền cũ với hai mệnh giá trên được chấp nhận. Sau thời gian này, các cửa hàng hay doanh nghiệp có thể từ chối nhận tiền mẫu cũ.
“Sau hạn chót, tiền giấy mệnh giá 20 GBP và 50 GBP sẽ không còn là đồng tiền pháp định. Do đó chúng tôi khuyến khích mọi người sử dụng hoặc gửi ở ngân hàng hay bưu điện trước hạn chót”, Ngân hàng Trung ương Anh ra thông báo hồi tháng 6.
Ưu điểm từ polymer
Website của Ngân hàng Trung ương Anh hướng dẫn người dân có thể đến trụ sở ngân hàng tại phố Threadneedle để đổi tiền trực tiếp, hoặc gửi qua bưu điện.
Ngoài ra, cách dễ nhất là xài hết tiền giấy mẫu cũ hoặc gửi ngân hàng trước hạn chót, theo bà Sarah John, thủ quỹ trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh. Bà nói thêm hầu hết ngân hàng tại Anh vẫn chấp nhận mẫu tiền cũ sau ngày 1/10.
Ngân hàng Trung ương Anh cho biết các tờ tiền polymer sẽ sạch hơn, có thể kháng nước và khó làm giả.
“Việc thay đổi tiền từ giấy sang polymer trong những năm gần đây là một bước phát triển quan trọng, vì nó khó làm giả và bền hơn”, bà Sarah John nói.
Khi Anh bắt đầu phát hành tiền polymer vào năm 2016, một mặt tờ tiền in hình Nữ hoàng Elizabeth II. Song các mẫu tiền polymer được in trong thời gian tới sẽ thay đổi khi Vua Charles III trở thành tân vương, và quá trình chuyển đổi này có thể mất ít nhất hai năm.
Australia đã phát hành tiền polymer từ năm 1992, trở thành nền kinh tế đầu tiên thay đổi mẫu tiền từ tiền giấy. Trong khi đó, tiền USD của Mỹ được in trên vải lanh và bông, pha trộn cùng các sợi đỏ và xanh ngẫu nhiên để tránh bị làm giả, theo Washington Post.
14 tỷ bảng Anh mẫu tiền cũ đang lưu hành
Ngân hàng Trung ương Anh cho biết vẫn còn 6 tỷ GBP mẫu tiền cũ mệnh giá 20 GBP và 8 tỷ GBP tiền mệnh giá 50 GBP đang được lưu hành, khi 1,2 triệu người sống tại Anh vẫn dùng tiền mặt cho các hoạt động thanh toán hàng ngày.
Tờ tiền đầu tiên được đổi sang polymer có mệnh giá 5 GBP, in hình cựu Thủ tướng Winston Churchill. Tờ 20 GBP được phát hành vào năm 2020 in hình J.M.W. Turner, họa sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XIX, trong khi tờ 50 GBP phát hành vào năm 2021 có hình nhà khoa học Alan Turing - được coi là cha đẻ của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Ban đầu, Ngân hàng Trung ương Anh bị những người yêu thích động vật và các nhóm tôn giáo chỉ trích vì đã dùng mỡ động vật - thường được dùng làm chất bôi trơn công nghiệp - để sản xuất tiền polymer.
Mỡ động vật giúp các máy sản xuất tiền hoạt động trơn tru và tránh tình trạng bị mắc kẹt, một nhà hóa học nói với Washington Post. Nó cũng có thể được làm từ những nguồn không phải động vật.
Giới chức Anh sau đó từ chối thay đổi về quy trình in tiền polymer, nói rằng việc chuyển sang dùng dầu thay vì mỡ động vật sẽ rất tốn kém.
Xã hội không tiền mặt
Anh là một trong những quốc gia châu Âu có lượng lớn người dân không dùng tiền mặt.
Theo báo cáo từ UK Finance, hiệp hội thương mại về tài chính ngân hàng tại Anh, hơn 23 triệu người Anh trong tổng số 67 triệu dân đã không dùng tiền mặt vào năm 2021. Trong khi đó, ước tính thanh toán bằng tiền mặt chỉ chiếm 6% trong 10 năm tới.
Lượng người không dùng tiền mặt đã tăng vọt trong năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp chỉ nhận thanh toán bằng thẻ, hoặc không nhận tiền mặt trong thời điểm dịch Covid-19.
Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng để "mua trước, trả tiền sau" cũng gia tăng, với 12% người Anh dùng kiểu thanh toán này vào năm 2021, và phần lớn người sử dụng trong độ tuổi 35-44.
Dù vậy, UK Finance thừa nhận xu hướng dùng tiền mặt đã quay trở lại gần đây, khi nó giúp dễ quản lý chi tiêu, trong bối cảnh lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao ở Anh.