Giữa năm 2022, Lee Xian Jie - công dân Singapore - góp tiền cùng bạn bè để mua căn nhà khoảng 110 năm tuổi với giá 2 triệu yên (khoảng 14.500 USD) tại Ryujin, một ngôi làng ở tỉnh Wakayama miền Trung Nhật Bản.
Giờ đây, anh đang cải tạo ngôi nhà để biến nó thành một nhà khách. Anh cũng thuê thêm một ngôi nhà cạnh đó để mở một nhà hàng phục vụ các món ăn làm từ sản vật địa phương, theo Nikkei Asia.
Theo Lee, các cột gỗ anh đào và các góc tường hõm (tokonoma) giúp ngôi nhà có không khí bên trong tương đối đặc biệt, khác với các căn nhà hiện đại, cho thấy cách con người sinh sống vào thời xưa.
Các ngôi nhà bỏ hoang tại Nhật Bản - đặc biệt là các căn nhà cổ theo kiến trúc truyền thống - đang ngày càng được người nước ngoài quan tâm trong bối cảnh văn hóa truyền thống Nhật Bản được đề cao còn đồng yen mất giá.
Vấn đề nan giải
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Tokyo, Lee làm việc cho một công ty công nghệ thông tin Nhật Bản. Lee yêu thích văn hóa xứ sở mặt trời mọc và cảm thấy hứng thú khám phá Ryujin khi được biết rằng người dân nơi đây có truyền thống trồng trà ngay trong sân nhà mình.
Sau ba lần tới thăm ngôi làng, Lee quyết định chuyển hẳn tới đây sinh sống.
“Ban đầu, tôi thắc mắc rằng không biết mình có thể trò chuyện với Lee hay không”, bà Kazue Shimizu, cư dân địa phương 71 tuổi, chia sẻ. “Giờ đây tôi đã là một người hâm mộ vì cậu ấy lịch sự và học nhiều về Nhật Bản”.
“Chúng tôi hy vọng cậu ấy sẽ đi đầu trong việc thổi luồng sinh khí mới cho khu vực”, một quan chức thành phố Tanabe, đơn vị hành chính phụ trách làng Ryujin, nói. Giới chức địa phương đã có khoản trợ cấp giúp Lee di chuyển chỗ ở.
Tình trạng nhà ở bỏ hoang đang có xu hướng gia tăng tại Nhật Bản khi quốc gia Đông Bắc Á này phải đối mặt với tình trạng suy giảm cũng như già hóa dân số.
Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số căn nhà bỏ hoang năm 2018 là khoảng 8,49 triệu căn - tăng gấp 1,5 lần so với năm 1998. Con số này tương đương với 13,6% tổng số nhà tại Nhật Bản.
Viện Nghiên cứu Nomura (NRI) ước tính số nhà bỏ hoang có thể tăng lên 23,03 triệu căn - tương đương 31,3% số ngôi nhà tại Nhật Bản - vào năm 2038 trừ khi chúng bị phá hủy trên quy mô lớn. Nói cách khác, cứ ba căn nhà tại Nhật Bản sẽ có một căn bỏ hoang.
Việc xử lý nhà hoang thế nào đang là một vấn đề khiến người Nhật đau đầu. Một trong những lối thoát là việc người nước ngoài ở Nhật Bản đang ngày một nhiều. Sau một thời gian bị đình đốn do đại dịch Covid-19, thị trường này dường như đang sôi động trở lại.
Giải pháp mới
Năm 2020, Parker Allen và Matt Ketchum - đều là người Mỹ - thành lập một công ty tại Tokyo để tìm người mua cho các căn nhà bỏ trống ở nông thôn Nhật Bản. Họ nhận được khoảng 40 lời hỏi mua nhà năm 2022 - cao gấp 5 lần năm 2020 - hầu hết từ các chủ doanh nghiệp khoảng 40-50 tuổi.
Các căn nhà được săn đón nhất có giá khoảng 20 triệu yen (khoảng 145.000 USD) và nằm ở các tỉnh Kanagawa, Shizuoka và Chiba - những nơi có thể dễ dàng di chuyển tới Tokyo. Khi đồng yen yếu đi, một số người mua thậm chí sẵn sàng chi tới 40 triệu yen.
Đa số khách hàng coi căn nhà mới là nơi để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu, Parker cho biết.
Các chuyên gia Nhật Bản nhận định để có thể xây dựng các khu dân cư thân thiện với người nước ngoài, người dân địa phương cần công nhận các khác biệt về truyền thống, cách sinh hoạt và hệ giá trị.
“Với chính quyền địa phương và các bên liên quan khác đóng vai trò cầu nối, cần tạo ra các cơ hội để người nước ngoài và cư dân địa phương tương tác với nhau, tăng cường mức độ thông hiểu lẫn nhau”, giáo sư Yasuhiko Nakajo tại Đại học Meikai nhận định.
Do số lượng quá lớn, cuộc khủng hoảng nhà bỏ hoang tại Nhật Bản khó có thể được giải quyết chỉ dựa vào sức mua từ người nước ngoài. Tuy nhiên, người nước ngoài có thể gián tiếp giúp các căn nhà hoang có giá hơn trong quan điểm của người Nhật.
“Nếu được lan tỏa nhờ những người nước ngoài hòa nhập vào cộng đồng địa phương, hình ảnh tích cực của các căn nhà bỏ hoang sẽ làm suy yếu hình ảnh tiêu cực trong mắt người Nhật và giúp chúng được coi là tài sản có giá trị”, giáo sư Nakajo nói thêm.