USD đã bị bán tháo trong tuần này. Theo dữ liệu của Trading Economics, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác trên toàn cầu - có lúc rơi xuống 101,13 điểm, rồi phục hồi phần nào về 101,3 điểm.
Dù vậy, USD Index vẫn giảm mạnh từ mức cao của tuần là 102,39 điểm. Đồng bạc xanh bị đè bẹp bởi những tuyên bố ôn hòa hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cùng với đó là những rủi ro của nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ.
Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay?
Ở chiều ngược lại, bảng Anh vọt lên mức cao nhất trong gần một năm, euro phục hồi sau khi sụt giảm vì quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Đồng yen cũng sắp ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau gần một tháng. Dòng tiền trú ẩn an toàn đang đổ vào đồng tiền của Nhật Bản.
Theo giới quan sát, ngày càng nhiều người tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Bởi tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng đang đẩy nền kinh tế Mỹ đến gần hơn với suy thoái. Nếu kịch bản này xảy ra, ngân hàng trung ương buộc phải thay đổi hướng đi.
Ngày càng nhiều người tin rằng các hoạt động tín dụng sẽ bị suy yếu, và nền kinh tế có thể giảm tốc nghiêm trọng so với trước đây
Ông Chris Turner - Trưởng bộ phận Thị trường toàn cầu của ING
Tuần qua, cổ phiếu của các ngân hàng khu vực tại Mỹ đã lao dốc mạnh. Giới đầu tư ồ ạt bán tháo sau sự sụp đổ của First Republic. PacWest Bancorp ở Los Angeles cũng thừa nhận đang cân nhắc những bước đi tiếp theo, bao gồm khả năng bán mình.
Trong phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu của PacWest Bancorp đã bay hơi 50% giá trị.
"Ngày càng nhiều người tin rằng các hoạt động tín dụng sẽ bị suy yếu, và nền kinh tế có thể giảm tốc nghiêm trọng so với trước đây", Reuters dẫn lời ông Chris Turner - Trưởng bộ phận Thị trường toàn cầu của ING - bình luận.
"Điều đó có thể giúp hạ nhiệt lạm phát và mở đường cho Fed cắt giảm lãi suất", vị chuyên gia nói thêm.
Đà tăng của USD bị chặn đứng
Các dữ liệu mới được công bố cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong tháng 4. Thêm vào đó, khu vực tư nhân nước này đã tăng cường tuyển dụng vào tháng trước.
Tất cả cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn cao. Để hạ nhiệt lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp hôm 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. "FOMC tin rằng lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh đến vậy. Do đó, việc cắt giảm lãi suất là không phù hợp", ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng để đạt được những bước tiến trong việc kìm hãm lạm phát ở khu vực dịch vụ, cần phải hạ nhiệt nhu cầu và tăng trưởng việc làm hơn nữa.
Trong cuộc họp, Fed đã tăng lãi suất điều hành lần thứ 10 liên tiếp. Nhưng cơ quan này cũng phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt sắp hoàn thành.
Tuyên bố của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã thay đổi. Trong tuyên bố ở cuộc họp trước đó, FOMC dự báo rằng "sẽ có một số chính sách tăng cường nhằm phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%" của Fed. Nhưng câu này được lược bỏ trong tuyên bố của cuộc họp tháng 5.
Các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed đẩy USD Index vọt lên mức cao nhất 20 năm vào năm ngoái. Giờ đây, việc Fed giảm tốc độ và chuẩn bị dừng tăng lãi suất đã triệt tiêu động lực tăng trưởng của đồng bạc xanh.
"USD đã bị đè bẹp sau cuộc họp của Fed khi cơ quan này phát đi tín hiệu cho thấy chuẩn bị kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ", ông Edward Moya - chuyên gia thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 lên tới 96,3%. Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm chỉ là 3,7%.