Nắm trong tay khá nhiều tài sản BĐS nhưng anh Vinh, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM, một nhà đầu tư BĐS lại không có tiền mặt. Dòng tiền của anh hiện nằm trong các mảnh bán đất nền, căn hộ chung cư. Thanh khoản không được khiến mấy tháng nay anh Vinh khá kẹt dòng tiền. Trong khi, nghề chính của anh chủ yếu là đầu tư BĐS.
Nếu Tết năm ngoái, anh Vinh cho cả gia đình đi du lịch dài ngày thì năm nay đến về quê anh cũng phải tính toán vì không đủ chi phí. Theo anh Vinh, hiện dòng tiền đầu tư sinh ra trước đó đã cạn kiệt vì suốt nửa năm nay, anh không bán được sản phẩm. Dù không dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS nhưng anh Vinh vẫn vào thế “kẹt” vì tài sản không có thanh khoản, tiền chôn hết vào BĐS. “Có thể Tết năm nay cả gia đình ở lại Tp.HCM để tiết kiệm các chi phí, vì cũng chưa rõ thời điểm nào mới bán được BĐS”, anh Vinh chia sẻ.
Chị H cũng tỏ ra “sợ” Tết vì nguồn tiền sinh ra từ đầu tư BĐS của vợ chồng chị gần như đã tiêu hết. Hiện nguồn thu của chị đến từ quán cafe mở cách đây mấy tháng nhưng thu nhập không đều cũng khiến chị thấp thỏm lo âu. “Trước đây, tôi không phải đau đầu nghĩ đến việc mở quán rồi thức khuya dậy sớm kiếm tiền lẻ như bây giờ. Bởi vì, số tiền có được từ đầu tư BĐS đủ sức cho cả gia đình hưởng thụ các kì du lịch dịp Lễ hoặc cận Tết. Còn bây giờ Tết phải hạn chế đi lại để tiết kiệm chi phí”, chị H chia sẻ.
Dù không đến mức không thể về quê đón Tết nhưng gia đình anh Tr, là một nhà đầu tư chuyên đất nền, hiện sống tại Q.7, Tp.HCM dự kiến tiêu Tết sẽ không thoải như mọi năm. Hiện nhà đầu tư này nắm khoảng 6 BĐS nằm rải rác tại Tp.HCM và một số tỉnh lân cận nhưng đều “bất động” nằm chờ thị trường. Trong số đó, có BĐS anh Tr sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng 30%. Hiện hàng tháng anh vẫn trả lãi ngân hàng. Theo anh Tr, mọi chi tiêu hiện tại phải tối giản hết sức để đủ chi phí gồng các tài sản, đợi thị trường phục hồi.
Ghi nhận cho thấy, cùng kì năm trước dù dịch Covid-19 nhưng ngay sau đó, thị trường BĐS “bắt nhịp”. Hoạt động đầu tư mua bán BĐS diễn ra khá sôi động. Nhiều nhà đầu tư vừa có khoản tiền dự trữ từ đầu tư trước đó, vừa “lướt sóng” hoặc thanh khoản dự án vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tình hình cuối năm nay có phần nặng nề hơn khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”. Không ít nhà đầu tư đã tiêu hết số tiền có được và đến hiện tại đang cố gồng chi phí và tài sản.
Một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, tình trạng nhà đầu tư đuối tài chính có xu hướng tăng dần vào cuối năm 2022. Thời điểm cận Tết, lượng sản phẩm “ngộp” bán ra tăng mạnh nhưng thanh khoản yếu. Điều này đã dẫn đến tình trạng cả môi giới và nhà đầu tư đều gặp khó khăn. Không ít môi giới nghỉ nghề; nhà đầu tư thì linh hoạt đầu tư mảng khác hoặc thất nghiệp. Với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính gặp khá nhiều trở ngại về dòng tiền. Thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo sản phẩm cũng đến từ những nhà đầu tư này.
“Nhìn chung, nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn về dòng tiền mặt, mặc dù sở hữu nhiều tài sản BĐS. Sự khó khăn này càng lộ rõ vào thời điểm cận Tết”, nhà đầu tư lâu năm này chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, anh Q, một nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư BĐS hơn 10 năm tại thị trường Tp.HCM và tỉnh lân cận cho hay, hiện nay các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn do đã trải qua nhiều đợt nóng sốt của thị trường BĐS. Vì thế, nguồn tiền dự trữ của họ tốt hơn giai đoạn trước đây. Khó khăn là có thật nhưng sức gồng của nhà đầu tư tốt hơn. “Khi nút thắt tín dụng mở thực sự, các hoạt động đầu tư BĐS sẽ quay trở lại nhanh”, anh Q khẳng định.