Theo dữ liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tính đến ngày 1/7/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của CTCP VinGroup và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với giá trị là 30.120 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là đơn vị phát hành trái phiếu lớn nhất, trong khi đó hầu hết là không có tài sản đảm bảo. (Ảnh: Int)
Nhóm ngân hàng thương mại hiện đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 27.285 tỷ đồng, lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là 5.16%/năm. NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành nhiều nhất với 10.655 tỷ đồng, theo sau là NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7.000 tỷ đồng và NHTMCP Quân đội (MB) 2.730 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, phát hành 1.245 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất trung bình 7.23%/năm. Trong đó, Công ty Tài Chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau 3 đợt phát hành.
Nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48,9% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 62.848 tỷ đồng, chiếm 78,1%. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm 25,9%.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vẫn là một trong những ngân hàng nắm giữ tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 49.345 tỷ đồng (quý 1/2022 là 76.582 tỷ đồng).
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh về trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, mà được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Khi mua trái phiếu doanh nghiệp nhà đầu tư cần chấp nhận rủi ro nếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có lãi suất cao qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại), nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
“Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Qua trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại được biết, khác với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hầu hết trái phiếu của ngân hàng đều không có tài sản đảm bảo, thế nên các sản phẩm đều là phát hành riêng lẻ. Ở đây có một vấn đề là nếu nhà đầu tư cá nhân đã mua sản phẩm trái phiếu phát hành riêng lẻ của ngân hàng đều không theo đúng quy định của Bộ Tài chính và đồng thời tiềm ẩn rủi ro lớn nếu ngân hàng đó có tỷ lệ nợ xấu cao.