Theo số liệu ước tính đến cuối quý 1/2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào khoảng 123.000 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ margin ước tăng nhẹ 3.000 tỷ lên mức 118.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán. Dư nợ margin tăng chậm sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất 7 quý vào cuối năm ngoái phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất dè dặt.
Tại cùng thời điểm 31/1/2023, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán ước tính lên đến hơn 190.000 tỷ đồng, cũng tăng nhẹ so với cuối năm 2022. Tương ứng, tỷ lệ margin/VCSH gần như đi ngang ở mức trên 60% sau quý 1, mức thấp nhất trong nhiều năm. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trên 120% được duy trì thường xuyên suốt giai đoạn năm 2021 đến đầu 2022.
Thực tế, tỷ lệ margin/VCSH tại các công ty chứng khoán đã liên tục giảm mạnh kể từ cuối quý 1/2022 đến nay. Nguyên nhân một phần đến từ sự sụt giảm mạnh dư nợ margin sau nhiều làn sóng bán giải chấp trên diện rộng trong năm ngoái. Chiều ngược lại, quy mô vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã liên tục tăng theo thời gian, đặc biệt sau giai đoạn tăng vốn “ồ ạt” trong 2 năm 2021-22.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ margin/VCSH thấp như hiện nay, nhóm công ty chứng khoán ước tính còn đến 265.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới. Phần lớn các công ty chứng khoán đều có tỷ lệ margin/VCSH nằm trong khoảng 80-100% và có nhiều dư địa để cho vay.
Tuy nhiên, vẫn có một số cái tên khác biệt, điển hình như Mirae Asset là công ty chứng khoán dẫn đầu về dư nợ margin hiện có tỷ lệ dư nợ margin/VCSH trên 120%. Trong khi đó, SSI chỉ có tỷ lệ margin/VCSH rất thấp, dưới 50% dù dư nợ cho vay chỉ kém Mirae Asset. SSI hiện có vốn điều lệ xấp xỉ 15.000 tỷ và vốn chủ sở hữu gần 1 tỷ USD, đều cao nhất ngành chứng khoán.
Đáng chú ý, trong top đầu về dư nợ, các công ty chứng khoán vốn nước ngoài như Mirae Asset, KIS, KBSV đều có tỷ lệ margin/VCSH trên 100%. Con số này cao hơn đáng kể so với phần lớn các công ty chứng khoán nội. Trong trường hợp thị trường sôi động trở lại, nhu cầu margin của nhà đầu tư tăng vọt, nhóm công ty chứng khoán ngoại có thể sẽ chịu nhiều áp lực tăng vốn hơn.
Thời gian qua, một số công ty chứng khoán liên tục đưa ra các gói ưu đãi margin nhưng dường như khách hàng đang chờ đợi tín hiệu về thời điểm an toàn để quay trở lại thị trường chứng khoán. Việc Fed tăng lãi suất và các biến số liên quan đến các định chế tài chính lớn trên thế giới đã khiến các nhà đầu tư trong nước phải lo lắng.“Khi tâm lý trên thị trường được cải thiện, các khoản margin sẽ lại được triển khai để mua cổ phiếu” – ông Petri Deryng, nhà quản lý Pyn Elite Fund nhận định.
Sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định hơn sau các biến cố trong năm ngoái cũng đã góp phần giảm áp lực lên lãi suất. Hơn hai tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 9,4% xuống 7,8% phần trăm. Pyn Elite Fund kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục với lãi suất tiền gửi trở lại khoảng 5–6% vào quý 3 tới.
Tương tự, Maybank Investment Bank (MSVN) cũng dự báo NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong 12 tháng tới với kỳ vọng rằng việc gia tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc vào giữa năm 2023, áp lực tỷ giá giảm bớt và CPI có thể kiểm soát được. Xu hướng giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu margin của nhà đầu tư đồng hỗ trợ dòng tiền đổ vào thị trường thị trường chứng khoán thời gian tới.