Theo kế hoạch đã được OCB thông báo, 21/9/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng); tương ứng, ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/9/2023 (tức thứ Tư tuần tới).
Cụ thể, OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tỉ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Sau OCB, Eximbank sẽ chốt danh cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức 18% bằng cổ phiếu vào ngày 25/9; ngày giao dịch không hưởng quyền nhận là 22/9/2023 (tức thứ Sáu tuần tới).
Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị Ngân hàng Eximbank, ngân hàng sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
Hồi tháng 2, Eximbank cũng đã hoàn thành việc phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank trong gần 1 thập kỷ (kể từ năm 2014).
Trước đó, Eximbank và OCB đều đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài Eximbank và OCB, một số ngân hàng cũng có kế hoạch trả cổ tức trong thời gian tới như VietinBank, VPBank.