Nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller tin rằng nỗ lực quay ngược chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed sẽ dẫn đến kết cục không tốt đẹp cho nền kinh tế Mỹ.
"Cuối năm 2023 kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng", Druckenmiller phát biểu tại Hội nghị nhà đầu tư Delivering Alpha tại New York City. "Tôi sẽ cảm thấy ngạc nhiên nếu như kinh tế Mỹ không suy thoái trong năm 2023. Chưa biết thời điểm chính xác nhưng chắc chắn là cuối 2023".
Có thể coi Druckenmiller là 1 nhà đầu tư huyền thoại vì ông chưa bao giờ thua lỗ. Ông tin rằng các gói nới lỏng định lượng lớn chưa từng thấy và lãi suất gần 0 mà các NHTW trên toàn thế giới duy trì trong suốt 1 thập kỷ vừa qua sẽ tạo nên bong bóng tài sản.
"Tất cả những nhân tố tạo nên thị trường giá lên trong thời gian vừa qua đều không chỉ dừng lại mà còn đảo chiều. Chúng ta đang gặp rắc rối lớn", Druckenmiller nói.
Fed hiện đang trên lộ trình siết chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980. Tuần trước Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp và còn cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát, khiến các tài sản rủi ro đồng loạt bị bán tháo. S&P 500 vừa rơi vào "thị trường con gấu" sau 6 phiên giảm liên tiếp.
Theo Druckenmiller, Fed đã gặp sai lầm khi nghĩ rằng nguyên nhân gây ra lạm phát là những gián đoạn trên chuỗi cung ứng và các yếu tố liên quan đến lực cầu sau đại dịch.
"Khi bạn gặp sai lầm, bạn phải thừa nhận mình sai và mất 9-10 tháng để sửa chữa. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải chịu đựng những hậu quả từ sai lầm này trong một thời gian rất dài".
Tháng 8, chỉ số CPI của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, lên gần cao nhất 40 năm và cao hơn nhiều so với dự báo.
Druckenmiller từng là "cánh tay phải" giúp George Soros quản lý quỹ Quantum Fund. Ông nổi tiếng sau khi giúp huyền thoại bán khống kiếm được 10 tỷ USD nhờ đặt cược chống lại đồng bảng Anh năm 1992. Sau đó ông quản lý 12 tỷ USD trên cương vị chủ tịch của Duquesne Capital Management. Tuy nhiên năm 2010 quỹ này đóng cửa.
JPMorgan Chase: Suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra
Thị trường chứng khoán Mỹ đang phát đi 1 thông điệp rất rõ ràng về sức khỏe nền kinh tế: suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra.
Đó là kết luận mà các chuyên gia của JPMorgan Chase đưa ra sau khi chạy mô hình. Theo đó, chỉ số S&P 500 giảm 6,5% kể từ khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất siêu mạnh vào tuần trước đồng nghĩa 92% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Hồi tháng 8 mô hình này cho ra kết quả chỉ là 51%.
Các tài sản khác cũng đang phát đi những cảnh báo tương tự. Diễn biến giá các kim loại cơ bản cho thấy khả năng suy thoái là 96%, tăng so với mức 84% của tháng 8.
Gần như tất cả các tài sản, từ cổ phiếu đến trái phiếu kho bạc và đồng USD đều điều chỉnh mạnh trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy cuối cùng thì thị trường cũng nhận thức được Fed đang chấp nhận suy thoái là cái giá phải trả để hạ nhiệt lạm phát.
Trong hơn 1 thập kỷ vừa qua, Fed vẫn luôn là "người bạn tốt nhất" của thị trường với các đợt hạ lãi suất tưởng chừng như vô tận. Tuy nhiên giá cả tăng vọt đã khiến Fed buộc phải tập trung duy nhất vào mục tiêu ổn định lạm phát, cho dù điều đó ảnh hưởng đến giá tài sản như thế nào đi chăng nữa.
"Các NHTW không thể nhắm mắt làm ngơ trước mức lạm phát cao như vậy. Tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong khi không có NHTW hỗ trợ - đó là điều không tốt đối với cổ phiếu", Emmanuel Cau, chuyên gia của Barclays nhận định.
Nhiều tháng nay giới phân tích cảnh báo rằng Fed quá chậm trễ trong cuộc chiến chống lạm phát. Giờ đây, sau khi Fed tăng lãi suất 0,75% ba lần liên tiếp và còn nhiều lần khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng, thị trường lại nhận định có lẽ Fed đang đi quá xa.
Kể từ đó đến nay, phố Wall liên tục chao đảo. Mọi tài sản từ cổ phiếu đến trái phiếu và hàng hóa đều biến động mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4, cao nhất kể từ năm 2008 trong khi chỉ số S&P 500 rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Thước đo độ biến động giá trái phiếu và tiền tệ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra vào tháng 3/2020.
"Nếu mọi loại tài sản đều bị bán tháo, đó là dấu hiệu của sự lây lan", Max Kettner, chiến lược gia của HSBC nhận định.
Niềm tin rằng Fed sẽ vì lo sợ thị trường sụp đổ và nền kinh tế khựng lại mà giảm mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ giờ đây đã biến mất, theo Lewis Grant, nhà quản lý danh mục tại Federated Hermes nhận xét.
Thậm chí niềm hi vọng này vẫn còn được thắp sáng trong tuần trước, sau khi quyết định chính sách mới nhất của Fed đi kèm với những phát biểu đanh thép của Chủ tịch Jerome Powell.
"Ban đầu thị trường không biết phải đi theo hướng nào. Ban đầu cổ phiếu bị bán tháo vì những dự báo bi quan, nhưng sau đó đảo chiều tăng trở lại vì nhà đầu tư hi vọng mức tăng trưởng thấp sẽ hạn chế đà tăng của lãi suất".
JPMorgan tính toán khả năng suy thoái bằng cách so sánh mức giá đỉnh (trước suy thoái) và giá đáy (trong suy thoái) của nhiều loại tài sản.
Các quan chức Fed dự báo đến cuối năm nay lãi suất sẽ tăng lên mức 4,4%, năm 2023 tăng lên 4,6%. ĐIều đó đồng nghĩa lãi suất tăng thêm 125 điểm cơ bản trong năm nay.
Sau khi Fed tăng lãi suất, một loạt quan chức theo trường phái "diều hâu" đã có những phát biểu làm dấy lên nỗi sợ về tăng lãi suất và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
"Ông Powell liên tục nhắc đến từ "nỗi đau", Fed đang cảnh báo giai đoạn sắp tới sẽ không hề thoải mái. Những cụm từ như "hạ cánh mềm" hay "lạm phát tạm thời" giờ có lẽ chỉ còn tồn tại trong những cuốn sách lịch sử.