Theo Bloomberg, suốt 14 năm, ông Muhammad Azam mòn mỏi chờ căn nhà của mình thành hình. Ông mua căn biệt thự 5 phòng ngủ nằm trên hòn đảo nhân tạo hình cây cọ Palm Jebel Ali ở Dubai, dù dự án nhà ở thậm chí chưa được khởi công xây dựng.
Một email từ Nakheel PJSC vào tháng 9 đã đặt dấu chấm hết cho mọi mong đợi của ông. Cơ quan quản lý bất động sản của Dubai đã quyết định hủy bỏ dự án trên Palm Jebel Ali cách đây vài tháng.
Công ty bất động sản quốc doanh cam kết hoàn trả cho ông Azam một khoản tiền. Nhưng số tiền đó thậm chí không bằng 1/4 giá thị trường của căn nhà vào thời điểm ông mua.
Hòn đảo nhân tạo Palm Jebel Ali của Dubai lớn hơn và nằm ở bên dưới đảo Palm Jumeirah. Ảnh: NASA.
Hàng triệu USD bị 'giam' 14 năm
Ông Azam, 44 tuổi, không phải trường hợp duy nhất. Ông là một trong số hàng trăm nhà đầu tư đã mua những căn nhà chưa được xây trên Palm Jebel Ali.
Một số chủ đầu tư đã đổi lấy căn hộ khác (có cùng chủ đầu tư) từ nhiều năm trước. Nhưng theo nguồn tin của Bloomberg, hàng trăm người khác vẫn đang đề nghị hoàn lại số tiền đã trả cho công ty bất động sản trước khi dự án bị trì hoãn vào năm 2009.
Nói với Bloomberg, các nhà đầu tư cho biết họ nằm trong hơn 400 người sở hữu hơn 700 căn nhà ở 2 dự án The Palm Jebel Ali Fronds và The Palm Jebel Ali Water Homes. Họ được Nakheel đề nghị hoàn trả tổng cộng 850 triệu dirham (tương đương 231,4 triệu USD).
Tuy nhiên, các chủ sở hữu cho rằng họ cần được bồi thường vì phải chờ đợi trong hơn một thập kỷ qua, và giá nhà đã tăng vọt kể từ đó.
Nakheel cho biết họ đang trả lại tiền cho các nhà đầu tư, nhưng không thể hỗ trợ những người đã được chuyển nhượng với mức giá cao hơn trong 20 năm qua.
Tập đoàn khẳng định các chủ sở hữu sẽ được tặng một giấy báo giảm, cho phép họ mua căn nhà mới của Nakheel với mức giá thấp hơn.
Nói với một số chủ sở hữu, Nakheel khẳng định sẽ tái khởi động phiên bản cải tiến của dự án vào đầu năm tới.
"Thật không công bằng", ông Azam tức tối.
"Tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận nếu Nakheel phá sản vào năm 2009 và dự án bị hủy bỏ sau đó. Nhưng giờ đây, điều này rất vô lý vì thị trường đang phục hồi và các căn biệt thự hướng biển có giá trên trời", ông lập luận.
Với diện tích gần bằng sân bay Heathrow của London, Palm Jebel Ali có hình dáng của cây cọ với 17 nhánh lá. Chủ đầu tư từng gọi dự án là "kỳ quan thứ 8 của thế giới".
Thời điểm đó, dự án được đề xuất bao gồm bến du thuyền, công viên giải trí, biệt thự bên bờ biển và những ngôi nhà trên mặt nước.
Nakheel ban đầu bán các biệt thự trên Palm Jebel Ali với giá khoảng 1,8 triệu dirham đến 5,6 triệu dirham. Trong những năm sau đó, chúng được mua đi bán lại liên tục dù chưa khởi công xây dựng.
Tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận nếu Nakheel phá sản vào năm 2009 và dự án bị hủy bỏ sau đó. Nhưng giờ đây, điều này rất vô lý vì thị trường đang phục hồi và các căn biệt thự hướng biển có giá trên trời.
Ông Muhammad Azam
5 năm sau đó, giá của các căn biệt thự đã tăng gấp đôi. Đó là thời điểm ông Azam và một số chủ sở hữu hiện tại mua vào.
Ông Azam cho biết đã vay thế chấp 10 triệu dirham để mua căn biệt thự với giá 14,8 triệu dirham. Ông trả hết khoản vay cho Ngân hàng Noor vào năm 2016.
Theo thông báo gửi cho ông Azam, Cơ quan Quản lý Bất động sản Dubai đã hủy bỏ 2 dự án vì Nakheel không thể hoàn thành chúng, và một ủy ban tư pháp yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền cho chủ sở hữu.
Nakheel đang đề nghị hoàn trả cho ông 2,8 triệu dirham, hoặc một giấy báo giảm 4,2 triệu dirham để mua lại một căn biệt thự khác sau khi dự án được khởi động lại.
Tuy nhiên, tập đoàn đưa ra đề nghị bằng lời nói thay vì văn bản.
Các chủ sở hữu chỉ được hoàn lại số tiền mà Nakheel thu từ người mua ban đầu. "Họ không tính đến lãi suất hay chi phí cơ hội", ông Azam bình luận. Ngoài những khoản thanh toán từ chủ sở hữu, Nakheel còn thu tiền mỗi khi căn biệt thự hoặc lô đất được chuyển nhượng.
Ông Azam cho biết đã bị tính phí chuyển nhượng 119.590 dirham và số tiền này sẽ không được hoàn trả.
Hòn đảo bị bỏ không
Theo Property Finder, một biệt thự ở Palm Jumeirah tương tự căn của ông Azam hiện được bán với giá ít nhất 30 triệu dirham. Palm Jumeirah là hòn đảo đầu tiên và nhỏ nhất trong số 3 hòn đảo nhân tạo hình cây cọ mà Nakheel phát triển tại Dubai.
Tại hòn đảo này, nhu cầu và giá của các biệt thự view biển đã tăng vọt.
Dubai đang chứng kiến thị trường bất động sản nóng nhất trong nhiều năm nhờ nhu cầu từ các khách hàng nước ngoài tăng vọt. Tính đến tháng 10, chỉ số giá của những căn nhà đắt đỏ nhất thành phố đã cao hơn một năm trước đó 89%.
Theo Financial Times, để khai thác nhu cầu đối với bất động sản ven biển, Nakheel đang lên kế hoạch xây dựng 1.700 biệt thự và 6.000 căn hộ ở Palm Jebel Ali.
Một tấm biển quảng cáo dự án Palm Jebel Ali của Nakheel, ở Dubai, năm 2009. Ảnh: Matilde Gattoni/Bloomberg.
Quá trình xây dựng Palm Jebel Ali bị trì hoãn vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giáng đòn mạnh lên Dubai. Trước đó, cùng với Emaar Properties, Nakheel đã dẫn dắt đà tăng trưởng thần tốc trong xây dựng, rồi suýt vỡ nợ 4 tỷ USD trái phiếu.
Nakheel - cùng với công ty mẹ lúc bấy giờ là Dubai World - đã được Abu Dhabi cấp khoản trợ cấp trị giá 10 tỷ USD.
Vào thời điểm đó, công ty phát triển bất động sản đưa ra 2 lựa chọn cho các chủ sở hữu căn hộ thuộc dự án ở Palm Jebel Ali. Đó là đổi khoản đầu tư sang những biệt thự, căn hộ đã hoàn thiện trong các dự án khác của Nakheel, hoặc tiếp tục chờ đợi.
Một số chủ sở hữu cho biết công ty đã nhiều lần trấn an họ rằng dự án Palm Jebel Ali sẽ không bị hủy bỏ.
Thị trường đã phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2014, nhưng dự án vẫn bị đóng băng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2015 với Gulf Business, cựu Chủ tịch Nakheel Ali Lootah thừa nhận rằng dự án "rất tốn kém, về cả cơ sở hạ tầng và mọi thứ".
"Nhưng chúng tôi đã cam kết và sẽ không hủy bỏ dự án", ông nhấn mạnh.
Dubai Pearl, một dự án bị đình trệ khác ở Dubai. Ảnh: Bloomberg.
"Dự án Palm Jebel Ali dựa trên một quy hoạch tổng thể được phát triển cách đây 15 năm. Dự án đòi hỏi việc lập kế hoạch và tái thiết kế sâu rộng để đáp ứng các tiêu chuẩn hiện nay về quy hoạch tổng thể cho cuộc sống ven biển hiện đại”, Nakheel cho biết trong tuyên bố mới đây.
“Theo đó, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, dự án đã chính thức bị hủy bỏ vào đầu năm nay", tập đoàn kết luận.
Cách Palm Jumeirah không xa, các chủ sở hữu cũng đang kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc và thu hồi tiền từ Dubai Pearl - dự án 20 năm tuổi vẫn đang bị đình trệ.
Giá đất đã tăng vọt kể từ đó đến nay. Các chủ sở hữu cho rằng họ cần được nhận lại nhiều hơn khoản đầu tư ban đầu.
Chính quyền địa phương cho biết đang đàm phán với chủ đầu tư - công ty quốc doanh Dubai Holding - để tái khởi động dự án.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...