TTCK đang vào giai đoạn biến động xấu bởi các thông tin tiêu cực trong và ngoài nước, thị trường “hóa gấu” nhanh chóng khi VN-Index có những phiên giảm sâu và dần xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Chứng khoán đi xuống khiến tài khoản nhiều nhà đầu tư bốc hơi nhanh chóng, mất 40-50% giá trị chỉ trong hơn một tháng biến động. Dòng tiền vào thị trường cũng mất hút càng làm tâm lý nhà đầu tư dao động giữa việc tiếp tục đầu tư, bán cổ phiếu hay thậm chí rút tiền khỏi thị trường.
Nhà đầu tư F0: Sốc khi thị trường lao dốc
Mới tham gia thị trường vào đầu năm 2022, Hồng Đăng (30 tuổi, kinh doanh) không khỏi sốc với bức tranh hiện tại của thị trường chứng khoán.
Đăng chia sẻ: “Tôi quyết định dùng tiền nhàn rỗi đầu tư chứng khoán vì thấy lãi suất ngân không hấp dẫn bằng sự phát triển của chỉ số Vn-index. Ban đầu, tôi có cái nhìn khá lạc quan về TTCK nhưng hiện tại khá sốc vì thị trường lao dốc quá nhanh".
Ban đầu, Đăng dành ra 60% vốn đầu tư vào các bluechips có mức tăng trưởng 15-20%/năm với kỳ vọng lãi tương đương 15-20%/năm; dành 20% để thực hiện hoạt động trading để nâng cao khả năng phân tích và lướt sóng, mục tiêu lãi 8-10%/cổ phiếu. Còn lại, anh để 20% là tiền mặt dự phòng.
Hiện tại, danh mục đầu tư của Đăng chỉ có một vài mã tăng nhẹ, còn lại đều giảm sâu.
Vào thị trường từ năm 2017 và trải qua những đợt biến động vào năm 2018, 2020 nhưng Văn Hùng (28 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn khá căng thẳng trong đợt lao dốc này của thị trường.
“Dù đã mạnh dạn cắt lỗ ngay một số khoản đầu tư xấu mang tính đầu cơ, diễn biến giảm đều trên thị trường vẫn khiến tài khoản của tôi giảm hơn 30% NAV” - Hùng cho biết.
Dù tình hình không mấy lạc quan nhưng nhà đầu tư này không có ý định rút khỏi thị trường.
“Chiến lược của tôi là hạn chế sử dụng margin (ký quỹ) trong thị trường giá xuống. Tuy nhiên, tôi vẫn đang phân bổ khoảng 70-80% vào cổ phiếu nên vẫn chịu tổn thất nhất định, một phần là tiền mặt để chờ thời cơ mua lại. Tùy từng thời điểm mình sẽ tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục, tuy nhiên chưa có ý định rút khỏi thị trường”.
Chia sẻ với Zing, nhà đầu tư này cho biết anh tin thị trường trong dài hạn vẫn đi lên. Ngoài ra, chứng khoán mang lại cho Hùng nhiều cảm xúc “gây nghiện" nên anh vẫn muốn tiếp tục đầu tư.
Với Hồng Đăng, anh ưu tiên trading giảm giá vốn với danh mục cổ phiếu có sẵn tái cơ cấu danh mục. Nhà đầu tư này không dùng margin, chấp nhận cắt lỗ 10-15% khi xuất hiện các phiên phục hồi kỹ thuật với các mã cổ phiếu có giao dịch yếu nhằm bảo vệ vốn trong kịch bản xấu tiếp tục diễn ra và mức lỗ là ngắn hạn.
Chuyên gia: Nên bình tĩnh và lạc quan
Nói về tình trạng thị trường lao dốc hiện nay, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng những nhà đầu tư F0 cần vững vàng và có cái nhìn lạc quan với thị trường.
Chia sẻ với Zing, ông Phương cho biết đầu tiên, nhà đầu tư cần phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trước sự biến động của thị trường. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến dễ bị cuốn theo những lời đồn thổi, xúi giục vô căn cứ. Tâm lý này cũng sẽ khiến nhiều người bán tống bán tháo một cách không cần thiết dù nắm trong tay những cổ phiếu tốt.
Thứ 2, nhà đầu tư cần dành thời gian phân tích tình hình thị trường. Hãy tìm đến các nguồn tin chính thống như báo đài, website doanh nghiệp, môi giới chứng khoán tin tưởng để nắm bắt được các thông tin. Nếu phân tích thấy các chính sách vĩ mô/vi mô, chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước hay các bộ ban ngành vẫn đang hỗ trợ cho thị trường và doanh nghiệp, hãy vững vàng và không cần thiết phải cắt lỗ.
Thứ 3, nhà đầu tư nên xem xét lại danh mục đầu tư của mình. Khi thị trường sụt giảm, tất cả cổ phiếu đều giảm, cổ phiếu tốt hay xấu đều giảm sàn như nhau. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục. Hãy bán những cổ phiếu xấu mà mua vào những cổ phiếu tốt, nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai mà trước đây vì giá cao nên bạn chưa có cơ hội mua. Khi thị trường bình ổn trở lại, đa phần cổ phiếu đều sẽ tăng. Lúc này, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi nếu nắm trong tay những cổ phiếu tốt.
Nhà đầu tư cũng có thể nhân cơ hội thị trường giảm sâu, dùng dòng vốn nhàn rỗi của mình để mua thêm cổ phiếu tốt để nắm giữ cho trung và dài hạn.
Thứ 4, hãy cố gắng hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin). Nếu có sử dụng, nên sử dụng ở mức thấp và kiểm soát được tỷ lệ sử dụng margin để không bị rơi vào tình trạng call margin.
Với kinh nghiệm của mình, ông Phương nhận định hiện tại, giá cổ phiếu đã giảm ở mức rất phù hợp để mua vào, đầu tư cho trung và dài hạn. Do đó, thị trường sẽ dần điều tiết, tìm được điểm cân bằng, bình ổn rồi dần chuyển qua trạng thái tích luỹ và sẽ tăng dần trong tương lai.