Theo quy luật, vàng thường tăng giá khi lạm phát cao, vì kim loại quý này là một tài sản vật lý có vai trò như một kênh lưu trữ giá trị. Ngoài ra, vàng cũng thường “toả sáng” trong những giai đoạn có bất ổn địa chính trị, vì vàng được coi như một “hầm trú ẩn”.
Tình hình thế giới hiện nay hội tụ đủ những yếu tố thuận lợi cho sự tăng giá của vàng: “bão” lạm phát hoành hành ở hầu hết mọi quốc gia; nền kinh tế toàn cầu ngấp nghé bờ vực suy thoái; và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Nhưng trái với kỳ vọng trước đây của nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích, giá vàng không hề tăng. Trái lại, giá vàng đã giảm gần 20% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 3, ngấp nghé trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market, hay còn gọi là thị trường gấu, chỉ trạng thái khi giá một tài sản giảm từ 20% trở lên so với đỉnh gần nhất).
“Trong môi trường hiện nay, nhà đầu tư không có nhiều ham thích nắm giữ vàng”, chiến lược gia trưởng Warren Patterson của ING nhận định trong một cuộc trao đổi với trang CNN Business.
Hồi tháng 3, giá vàng tăng bùng nổ do giới đầu tư toàn cầu bất an tột độ về những hệ quả có thể xảy ra từ chiến tranh Nga-Ukraine khi cuộc chiến mới bắt đầu. Nhưng kể từ đó, các động lực thị trường khác bắt đầu nổi lên và chi phối giá vàng mạnh mẽ hơn.
Đầu tiên phải kể đến hiệu ứng từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới từ tháng 3 đến nay đã có 5 lần tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, và chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục thúc giá lương thực-thực phẩm và năng lượng leo thang.
Sau đợt tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp vào hôm 21/9, Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng trong hai cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ còn lại của năm 2022. Giới phân tích dự báo Fed sẽ lại áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, và tiếp đó là bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 12.
Sự quyết liệt của Fed đã đẩy tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất 2 thập kỷ. Năm nay, chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt - đã tăng hơn 18%, theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Diễn biến lãi suất và tỷ giá đồng USD đã gây tổn thất lớn cho thị trường chứng khoán, và vàng cũng “chịu trận”. Đó là bởi vàng là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD.
Một yếu tố khác gây bất lợi cho giá vàng là hiệu ứng từ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đối với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Khi Fed nâng lãi suất, giá trái phiếu sụt giảm và lợi suất - diễn biến ngược chiều với giá trái phiếu - tăng mạnh. Hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên 3,77%, cao nhất từ tháng 4/2010, từ mức chỉ 1,5% vào đầu năm.
Vàng cạnh tranh với trái phiếu kho bạc Mỹ ở vai trò kênh đầu tư an toàn. Khi nhà đầu tư nhận được lợi tức cao hơn từ trái phiếu kho bạc Mỹ, sức hấp dẫn của vàng giảm sút.
Ông Patterson nói: “Khi lãi suất tăng, bạn sẽ muốn nắm giữ thứ gì hơn, vàng hay thứ gì đó mang lại lợi tức?”
Tuần vừa rồi, ít nhất gần một chục ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất và phát tín hiệu sẽ không sớm chuyển sang mềm mỏng. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khẳng định rằng kiểm soát lạm phát đang là ưu tiên cao nhất của họ.
Điều đó có nghĩa là giá vàng khó hồi phục trong ngắn hạn. Ông Patterson nhấn mạnh rằng để giá vàng hồi phục, tình hình lạm phát cần có sự dịch chuyển. “Tuần này, mọi người đã nhận thức rõ tình hình khó khăn như thế nào. Chính sách tiền tệ thắt chặt đang là thứ mà hầu hết các ngân hàng trung ương đang theo đuổi”, vị chuyên gia nói.