VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch không mấy tích cực khi mọi thành quả xây dựng vào đầu tuần đều tan biến chỉ sau phiên điều chỉnh trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Với mức giảm hơn 21 điểm (-1,7%), mức giảm cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023 đến nay, chỉ số VN-Index đã đóng phiên tuần với mức giảm 11 điểm về mốc 1.247,35 điểm.
Điểm nhấn tuần qua là thanh khoản tiếp tục được cải thiện và ổn định, phần nào phản ánh tâm lý vững vàng của nhà đầu tư. Bất chấp xu hướng chốt lời, nhà đầu tư vẫn sẵn sàng giải ngân để đỡ giá cổ phiếu. So với tuần trước, thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn tăng thêm 17% lên mức 30.100 tỷ đồng/phiên.
Cổ phiếu ngân hàng ghìm chỉ số
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là nhóm tác động lớn tới chỉ số tuần qua trước xu hướng chốt lời ồ ạt từ nhà đầu tư. Trong đó có tới 6 cổ phiếu tham gia nhấn chìm VN-Index.
Điển hình là 2 cổ phiếu đại diện cho 2 nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB của Vietcombank và BID của BIDV. Cả 2 mã này đều đóng góp hơn 3 điểm giảm vào VN-Index, dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực.
So với đầu tuần, cổ phiếu VCB đã giảm 2,3% để đóng cửa ở 96.100 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của Vietcombank cũng vì thế mà "bốc hơi" hơn 5.000 tỷ đồng, về còn 531.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu BID giảm 4,5% trong tuần xuống 51.100 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ cuối tháng 2. Vốn hóa ngân hàng qua đó thu hẹp 14.000 tỷ đồng xuống hơn 291.000 tỷ. Dẫu vậy, cổ phiếu BID vẫn đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có mặt trong rổ tác động xấu đến chỉ số tuần này còn có CTG (-3%), VPB (-3,4%), ACB (-2,7%), TCB (-2%). Diễn biến điều chỉnh của những mã này đều xuất hiện sau thời gian dài tăng giá trước đó.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng là nằm trong top 3 mã gây thiệt hại cho VN-Index. Sau chuỗi phiên giao dịch bùng nổ sau Tết Nguyên đán, mã chứng khoán này liên tục điều chỉnh và đã giảm 3,2% trong tuần để lùi xuống 42.550 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, MSN của Masan là cổ phiếu trụ hiếm hoi được giao dịch thuận lợi tuần này. Dù xuôi chiều theo đà điều chỉnh của thị trường hôm 8/3, cổ phiếu MSN vẫn có 3 phiên tăng và 1 phiên tăng trần trong tuần, qua đó tăng hơn 11%, lên 78.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã chứng khoán bán lẻ này đã có chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.
Với BCM, mã này kéo dài mạch tăng lên 6 phiên liên tiếp và hiện tạm dừng ở mốc 69.300 đồng/cổ phiếu, tăng 9% so với đầu tuần.
Khối ngoại tích cực chốt lời
Tuần qua, khối ngoại đảo sang vị thế bán ròng với tổng giá trị bán trên cả 3 sàn đạt gần 800 tỷ đồng.
Tính riêng trên HoSE, giao dịch của dòng tiền ngoại tỏ ra trầm lắng hơn so với tuần trước khi chỉ mua vào 362 triệu cổ phiếu và bán ra 392 triệu cổ phiếu, tương đương bán ròng 30 triệu cổ phiếu với giá trị 980 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chốt lời chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND sau chuỗi tăng giá hơn 28% kể từ đầu tháng 11/2023 của chỉ số này. Tính từ đầu năm, chứng chỉ quỹ này đã bị khối ngoại rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh mục bán ròng của khối ngoại còn có nhiều cổ phiếu tài chính - ngân hàng đã tăng cao thời gian qua như VCB (-140 tỷ đồng), VPB (-113 tỷ đồng), TPB (-80 tỷ đồng), VCI (-55 tỷ đồng) hay SSI (-35 tỷ đồng).
Nhóm sản xuất sữa, nước giải khát với những cái tên như VNM (-314 tỷ đồng) và SAB (-124 tỷ đồng) cũng nằm trong danh mục bị bán ròng cao của nhà đầu tư nước ngoài.
Hai cổ phiếu “họ Vin” là VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes lần lượt bị khối ngoại bán ròng 80 tỷ đồng và 515 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số mã bất động sản khác cũng bị bán mạnh có thể kể đến HDG (-42 tỷ đồng), BCM (-78 tỷ đồng), DXG (-26 tỷ đồng).
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu bất động sản như KBC (+243 tỷ đồng), KDH (+213 tỷ đồng), NLG (+182 tỷ đồng), PDR (+44 tỷ đồng) lại chiếm được dòng tiền mua vào của nước ngoài. Cổ phiếu VRE của Vincom Retail cũng được gom vào 126 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng tạm cho thấy sự quan tâm ngắn hạn đến cổ phiếu bán lẻ khi mua ròng MWG (+187 tỷ đồng), FRT (+38 tỷ đồng), MSN (+100 tỷ đồng).
Danh sách mua ròng tuần này cũng gọi tên một số cổ phiếu khác như DGC (+172 tỷ đồng), VIX (+176 tỷ đồng), STB (+141 tỷ đồng) và DGW (+53 tỷ đồng).
Trên sàn Hà Nội, khối ngoại giữ trạng thái mua ròng 37 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường UPCoM bị bán ròng gần 20 tỷ đồng.