Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch rung lắc dữ dội vào ngày 8/3. Chỉ số VN-Index giảm hơn 21 điểm, lùi về mốc 1.247 điểm. Đây cũng là phiên điều chỉnh có biên độ cao nhất của chỉ số chính đại diện sàn HoSE kể từ cuối tháng 11/2023.
Với mức thiệt hại trong phiên 8/3, giá trị vốn hóa của HoSE thu hẹp gần 68.000 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD, xuống còn 5,078 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong suốt 24 năm qua kể từ thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, VN-Index đã có 15 lần giảm điểm vào các dịp 8/3 hàng năm. Lần gần nhất vào năm 2022, chỉ số này cũng có phiên điều chỉnh với biên độ tương đương năm nay.
Nhịp điều chỉnh trong phiên 8/3 vừa qua không chỉ tác động đến tài khoản của nhiều nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng nặng nề đến khối tài sản tính bằng cổ phiếu của các tỷ phú Việt Nam.
Với việc nắm giữ trực tiếp 691 triệu cổ phiếu VIC, ước tính thiệt hại của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trong phiên giao dịch hôm 8/3 lên tới 552 tỷ đồng. Hiện lượng cổ phiếu VIC của ông Vượng có tổng giá trị gần 31.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long chứng kiến giá trị lượng cổ phiếu giảm 1.050 tỷ đồng xuống còn 45.450 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland cũng mất 38 tỷ đồng khi cổ phiếu NVL giảm 2,4% xuống mốc 16.500 đồng/đơn vị. Hiện ông Nhơn đang nắm giữ hơn 96 triệu cổ phiếu NVL, tức gần 5% vốn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu tính chung hơn 788 triệu cổ phiếu NVL mà các cá nhân, tổ chức liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn nắm giữ, mức thiệt hại ở phiên vừa rồi lên đến 315 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách các nam tỷ phú thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 8/3 còn có ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (-183 tỷ đồng); ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hóa chất Đức Giang (-105 tỷ đồng); ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT (-102 tỷ đồng).