Thời gian gần đây, thanh khoản trên thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm do các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây ngập tràn các thông tin rao bán cắt lỗ, thanh lý,... Một số nhà đầu tư có tiền mặt, giai đoạn này vẫn sẵn sàng xuống tiền để săn hàng “ngộp”.
Song, éo le thay, một số trường hợp dù đã trả giá nhiều lần nhưng vẫn bị mua hớ đến cả trăm triệu đồng. Đơn cử, anh Trần Minh Khang, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, thị trường bất động sản chững lại. Anh cũng nghe ngóng được thông tin nhiều khu vực, các chủ đất đang chật vật rao bán “cắt lỗ”, giảm giá,...
“Sẵn 3 tỷ tiền mặt, tôi cũng tranh thủ gom đất chờ thị trường vào giai đoạn phục hồi. Đa phần, tôi khảo giá, các môi giới đều cho rằng hiện nay đã giảm khoảng 30%”, nhà đầu tư này nói.
Được môi giới tư vấn một mảnh đất rộng 150m2, với mức giá 3,5 tỷ đồng tại Bắc Ninh. Sau 3 lần thương thảo về giá, cuối cùng, chủ đất đã chốt bán với giá 3 tỷ đồng cho anh Khang. “Mức giá tôi cũng thấy mềm hơn so với giai đoạn đầu năm nên quyết định mua”, anh Khang nói.
Tuy nhiên, anh Khang phát hiện mảnh đất anh mua cũng đang được gửi bán với mức giá 2,7 tỷ đồng suốt nhiều tháng nay. Anh Khang cũng thừa nhận, trước những thông tin cắt lỗ, giảm giá ở nhiều khu vực nên anh cũng chủ quan không tham khảo kỹ ở những văn phòng môi giới khác. Anh Khang cũng không nghĩ đến chuyện môi giới nâng giá bán khá cao so với giá ban đầu chủ nhà đưa ra.
“Lúc mua tôi trả giá tới 3 lần, 2 lần đầu tiên mỗi lần giảm tổng 300 triệu đồng thì tôi thấy môi giới báo chủ đều đồng ý bán ngay. Thấy chủ đồng ý nhanh chóng nên tôi tiếp tục ép giá lần cuối với mức 200 triệu đồng. Lần này, thấy chủ lưỡng lự và 2 ngày sau mới báo lại chốt bán nên tôi nghĩ khó thương thảo thêm nên xuống tiền”, người này kể.
Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Khắc Tú, nhà đầu tư F0 tại Hà Nội cho hay, trước thông tin rao bán hàng “ngộp”, cắt lỗ, giảm giá bất động sản tràn lan trên mạng xã hội. Anh cũng bỏ ra 2 tỷ đồng để mua mảnh đất rộng gần 100m2 tại Hưng Yên.
“Khi mua, môi giới khẳng định với tôi mảnh đất này đã giảm giá 30% so với thời kỳ đỉnh sốt. Tôi cũng tìm hiểu thì thấy đúng là giá đã giảm từng đó. Mua bán xong, chỉ mấy ngày sau, tôi thấy những mảnh đất tương tự họ chỉ rao bán khoảng 1,8 - 1,9 tỷ đồng”, anh Tú nói.
Thực tế, dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn chững, một số nhà đầu tư cho rằng đây là cơ hội để mua được hàng giá tốt. Tuy nhiên, dù mua bất động sản trong giai đoạn sôi động hay trầm lắng nhà đầu tư cũng cần khảo sát kỹ trước khi xuống tiền.
Theo anh Trần Tuyên, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, việc thông tin cắt lỗ, giảm giá tràn lan, cũng tác động đến tâm lý của những người sẵn sàng xuống tiền ở giai đoạn này.
“Một số người tự tin rằng, mua trong giai đoạn này chắc chắn sẽ ép được giá tối đa của người bán. Song, cuối cùng lại thành mua hớ, người bán luôn sẽ đặt mức giá cao hơn so với thị trường để người mua trả giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những trường hợp thường những nhà đầu tư non kinh nghiệm mắc phải”, vị này nói.
Anh Tuyên cho rằng, hiện nay, nhiều người đang có tâm lý “bắt đáy” thị trường. Song không ai biết đáy là ở mức giá nào. Với những nhà đầu tư này, hiện tại nên đứng ngoài thị trường và quan sát thêm diễn biến.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường xuất hiện tâm lý quan sát, chờ đợi cơ hội để “bắt đáy”. Song, rất khó xác định đâu là đáy của thị trường bất động sản. Quan trọng nhất là nhà đầu tư phải có tính kỷ luật.
“Khi thị trường đi xuống, chạm đến một điểm nhất định, nhà đầu tư sẽ mua vào, dù cho đó chưa phải là đáy. Tương tự, khi quyết định bán ra, họ cũng thiết lập một mức chốt lời nhất định, kể cả sau đó thị trường tiếp tục đi lên", ông Hiếu nói.