Theo khảo sát vừa được công bố của Cushman & Wakefield với hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu, họ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên tại các thị trường mới nổi. Theo đó, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu, theo sau là 75% cho Ấn Độ.
Sở dĩ các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam, xuất phát từ việc nước ta đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chẳng hạn như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực logistics - hậu cần ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả miền Bắc và miền Nam.
“Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới”- bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định.
Theo bà Trang, cuộc khảo sát của Cushman & Wakefield cũng dò hỏi tâm lý nhà đầu tư sẽ đầu tư vào phân khúc nào với 1 tỷ đô la Mỹ trong tay và 25% các nhà đầu tư cho biết sẽ triển khai vốn vào phân khúc logistics, theo sau đó là các phân khúc văn phòng và phi truyền thống như Trung tâm dữ liệu (data center) và nhà ở đa gia đình. Mặc dù lợi suất giảm nhưng hơn 35% nhà đầu tư tin rằng lĩnh vực logistics về cơ bản vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng thị trường, với 30% tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng tích cực dù với tốc độ chậm hơn trong lĩnh vực này.
Một điều đặc biệt khác để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, ngày 7/9 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này. Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; …
TS Sử Ngọc Khương cho rằng thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.
“Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, giúp quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10 năm 2021, các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và khách sạn, đã được hưởng lợi lớn. Yếu tố này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ ngày càng hạn chế, các khoản đầu tư cũng không có tính cạnh tranh cao như tại Việt Nam”- TS Sử Ngọc Khương nói.
Thực tế báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng năm 2022 vào Việt Nam ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Đáng chú ý, bất động sản là phân khúc đứng thứ hai, chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những “món hàng” được săn lùng bởi các nhà đầu tư,” theo bà Trang.
M&A vẫn là giải pháp cho bài toán về vốn
Gần đây việc phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn bởi quy định tín dụng có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia Savills việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng và tìm đến những đơn vị tư vấn M&A tiêu chuẩn quốc tế để được hỗ trợ kết nối với những đối tác phù hợp.
Nhận định về xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, chuyên gia Savills cho rằng đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.
Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.