Nouriel Roubini.
Roubini - chủ tịch và giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates, nhận định: “Ngay cả trong một cuộc suy thoái không sâu sắc, thì S&P 500 vẫn có khả năng giảm 30%.” Còn trong “cuộc hạ cánh không mấy dễ dàng”, thì ông dự đoán chỉ số này có thể mất 40%.
Roubini từng dự đoán đúng về bong bóng bất động sản năm 2007-2008. Nhờ đó, ông có biệt danh là “Mr.Doom” (người chuyên dự đoán về các cuộc khủng hoảng). Trong cuộc phỏng vấn đầu tuần này, ông cho biết những người dự báo Mỹ trải qua một cuộc suy thoái “nông” cần xem xét tỷ lệ đòn bẩy lớn của các doanh nghiệp và chính phủ.
Theo ông, khi lãi suất tăng thì chi phí nợ cũng leo thang, “nhiều doanh nghiệp 'thây ma', hộ gia đình 'thây ma', ngân hàng ‘ngầm’ và các quốc gia có khả năng tài chính kém sẽ gặp khó khăn”. Vì thế, ông đang theo dõi liệu ai sẽ là người có thể “bơi” mà không dùng dụng cụ hỗ trợ.
Roubini cũng từng cảnh báo về suy thoái khi nêu dẫn chứng về những đợt thị trường tăng và giảm giá. Ông cho rằng, mức nợ trên toàn cầu sẽ khiến thị trường chứng khoán đi xuống, cùng với đó là việc đạt tỷ lệ lạm phát 2% với đợt “hạ cánh mềm” sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” với Fed. Ông dự đoán, NHTW Mỹ sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 21/9 và 50 điểm cơ bản trong tháng 11 và tháng 12. Theo đó, lãi suất chuẩn của Fed vào cuối năm nay sẽ dao động từ 4-4,25%.
Ông nói, tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát cao kéo dài, đặc biệt là những khó khăn về tiền lương và lĩnh vực dịch vụ, Fed “có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc tiếp tục nâng lãi suất. Có thể, lãi suất chuẩn sẽ lên tới 5%.
Những yếu tố bên ngoài khác cũng quan trọng, đó là cú sốc về nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch, mâu thuẫn Nga - Ukraine và chính sách zero Covid của Trung Quốc sẽ đẩy chi phí lên cao hơn, cùng với đó là làm giảm tốc độ tăng trưởng. Điều này sẽ khiến việc đạt được mục tiêu “suy thoái tăng trưởng” (growth recession) của Fed trở nên khó khăn.
Roubini cho rằng, khi kinh tế toàn cầu suy thoái, biện pháp kích thích kinh tế của các chính phủ trên thế giới sẽ không còn là “liều thuốc tiên” vì những khoản nợ ngày càng phình to, khiến họ “cạn kiệt nguồn tài chính”.
Theo đó, nhà kinh tế này dự báo tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 1970 và các khoản nợ phình to như khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ xảy ra. Ông nói: “Đó không phải là cuộc suy thoái nông và chỉ trong thời gian ngắn, mà nó sẽ tồi tệ và kéo dài.”
Roubini cho rằng cuộc suy thoái ở Mỹ và toàn cầu sẽ kéo dài hết năm 2023, tuỳ thuộc vào mức độ căng thẳng của cú sốc nguồn cung và những khó khăn về tài chính. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các hộ gia đình và ngân hàng đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở lần này, ông cho biết, các doanh nghiệp và ngân hàng “ngầm” - chẳng hạn như các quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và tín dụng, sẽ “rung lắc mạnh”.
Trong cuốn sách mới của mình “Megathreats”, ông đã chỉ ra 11 cú sốc nguồn cung trong trung hạn kìm hãm tốc độ tăng trưởng với việc chi phí sản xuất bị đẩy lên cao. Các yếu tố đó bao gồm: phi hạt nhân hoá và chủ nghĩa bảo hộ, việc các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc và châu Á sang châu Âu và châu Mỹ, già hoá dân số ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi, hạn chế xu hướng di cư, sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc, biến đổi khí hậu toàn cầu và đại dịch tái hoành hành. Ông nói: “Việc một đại dịch khác xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian.”
Trong bối cảnh đầy biến động, ông cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư: “Bạn nên giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu và tích trữ nhiều tiền mặt hơn.” Dù giá trị tiền mặt giảm do ảnh hưởng lạm phát, nhưng giá trị danh nghĩa vẫn không thay đổi trong khi cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm 10, 20 hay 30%. Đối với trái phiếu, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tránh các trái phiếu dài hạn và có thêm biện pháp bảo vệ từ trái phiếu Kho bạc ngắn hạn hoặc các chỉ số trái phiếu.