Giữa tháng 11, nhà mạng Viettel cho biết đã điều chỉnh tăng mức tối thiểu của băng thông Internet băng rộng cố định, lên mức 100 Mbps. Sau đó, đến giữa tháng 12 và trong vài ngày gần đây, lần lượt các nhà mạng VNPT và FPT cũng đưa ra mức tăng băng thông.
VNPT tăng băng thông tối thiểu lên mức 80 MBps. Trong khi đó, nhà mạng FPT Telecom tiết lộ sẽ tăng mức tối thiểu lên 150 Mbps, thậm chí còn úp mở về một mức băng thông không giới hạn, tuy nhiên chỉ áp dụng cho gói cước mới sẽ ra mắt trong thời gian tới. Hiện chưa rõ giá thành gói cước này.
Băng thông là tốc độ tải xuống của kết nối Internet, là tốc độ tối đa mà người dùng có thể tải dữ liệu từ trên mạng xuống thiết bị. Chẳng hạn, với nhà mạng Viettel, hiện nay băng thông tối thiểu sẽ là 100 Mbps hay 100 megabit mỗi giây.
Mức tối thiểu này được đánh giá là tốc độ Internet đủ nhanh để xem video độ phân giải 4K trên 2-5 thiết bị, chơi game trực tuyến. Với nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị hơn trong một thuê bao Internet băng rộng cố định, hoặc lên mạng các tệp tin lớn, người dùng vẫn sẽ cần băng thông lớn hơn. Băng thông Internet cố định trung bình trên thế giới hiện nay vào khoảng 67 Mbps, theo Statista.
TeleGeography ước tính nhu cầu băng thông Internet trên toàn cầu tăng gần 30% vào năm 2022, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và nội dung số, cụ thể là Google, Meta, Amazon và Microsoft. Theo hãng nghiên cứu, các công ty OTT hiện chiếm 2/3 tổng lưu lượng băng thông quốc tế.
Tính đến tháng 11, tốc độ truy cập Internet cố định ở Việt Nam xếp thứ 47 trên thế giới, vào khoảng 80 Mbps, theo Speedtest. Mức tăng băng thông của các nhà mạng sẽ giúp cải thiện tốc độ Internet.
Khoảng 75% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng Internet cáp quang, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, được công bố vào Ngày Internet Việt Nam đầu tháng 12. Tăng tốc độ truy cập Internet và mở rộng độ phủ của Internet băng rộng cố định cũng là các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.