Đây không phải lần đầu tiên Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố, kể từ ngày bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2010.
Riêng 9 tháng năm 2018, nhà máy đã xảy ra 25 lần sự cố của tổ máy, trong đó có 2 sự cố lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Đặc biệt, vào tháng 2/2016, trong khi đang hoạt động, tuabin của tổ máy số 1 bị gãy cánh, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động khẩn cấp. Trước đó, năm 2014, tuabin của tổ máy số 2 cũng từng bị gãy cánh và phải ngừng hoạt động mất 4 tháng, từ 17/7 – 17/11/2014.
Ngay sau khi tuabin của tổ máy số 1 gặp đại nạn vào tháng 2/2016, một loạt chuyên gia trong nước và sau đó là các chuyên gia Trung Quốc được mời đến để tìm biện pháp xử lý, nhưng bó tay.
Không còn cách nào khác, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả buộc phải đưa cả tuabin nặng khoảng 80 tấn sang Trung Quốc sửa chữa. Việc đưa một chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở chiếc tuabin trên từ Cẩm Phả lên cửa khẩu Lạng Sơn, rồi một chiếc xe cùng cỡ của đối tác Trung Quốc đón đưa sâu vào nội địa khoảng 4.000km.
Với hành trình khoảng 20 ngày mới đến nơi sửa chữa không chỉ tốn rất nhiều tiền sửa chữa, mà việc tổ máy số 1 dừng hoạt động cả nửa năm còn khiến công ty mất cả trăm tỷ đồng khi công suất giảm mất 50%, nhất là vào dịp hè nhu cầu điện tăng đột biến.
Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với 4 lò hơi có công suất 150 MW/lò theo công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn (CFB) đốt than và sử dụng nước biển làm nước làm mát.
Tổng công suất của nhà máy là 600MW, khi hoạt động ổn định cung cấp cho thị trường sản lượng điện năng hàng năm là 3,68 tỷ KWh. Than sử dụng cho nhà máy này là than cám 6B có nhiệt trị thấp, khó tiêu thụ đối với thị trường trong và ngoài nước do Công ty tuyển than Cửa Ông cung cấp.