Ngày 12/04, VTL đã có văn bản giải trình về vấn đề này. Theo đó, công ty cho biết trong năm 2022, VTL tiếp tục chịu ảnh hưởng của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với nhiều chế tài mạnh. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn và hạn chế sử dụng tất cả các loại đồ uống có cồn nên sức mua vẫn có phần còn hạn chế so với mọi năm.
Đại dịch Covid-19 kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Các lễ hội, nhà hàng khách sạn, khu du lịch đóng cửa trong thời gian dài, khách du lịch quốc tế không đến được Việt Nam nên ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm vang trên toàn thị trường.
Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh làm sản lượng tiêu thụ vang của Công ty sụt giảm, dòng tiền thu hồi chậm, phải tăng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các cá nhân dẫn tới chi phí tăng cao và kết quả kinh doanh giảm sút. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của Công ty và ảnh hưởng kết quả kinh doanh.
Năm 2022, VTL lỗ 35,7 tỷ đồng đã nâng tổng lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2022 tăng lên thành 63 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty tại cùng thời điểm là 50,6 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng thua lỗ, VTL đề ra một số giải pháp trong năm 2023.
Về công tác tài chính, Công ty sẽ quản lý tốt dòng tiền, tăng cường kiểm soát công nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính do công nợ quá hạn, mất khả năng thanh toán.
Về công tác thị trường, Công ty sẽ có một số giải pháp như mở rộng mạng lưới nhà phân phối tại miền Trung và miền Nam, xây dựng lại cơ cấu giá bán hàng hóa cho các kênh tiêu thụ trọng điểm, thay đổi hình thức hợp tác với các nhà phân phối để phát triển thị trường. Đáng chú ý, VTL sẽ tập trung phát triển các nhãn hàng vang Thăng Long và Chi Lê thay vì phụ thuộc doanh thu vào 1 sản phẩm vang Thăng Long truyền thông. Bên cạnh đó, sẽ thay đổi nhãn mác bao bì một số sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu người tiêu .
Về vốn: VTL có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 50,6 tỷ đồng lên 101,2 đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 18/07/2022.
Công ty cho biết đang trong quá trình thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ nhằm tái cơ cấu nợ, giảm áp lực tài chính và bổ sung vốn lưu động. Khoản vốn tăng thêm này sẽ giúp Công ty có thêm nguồn tiền để thanh toán các khoản nợ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của Công ty không bị gián đoạn vị thiếu vốn.
Dự kiến, Công ty sẽ hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong tháng 04/2023. Sau khi tăng vốn điều lệ, Công ty sẽ bước đầu khắc phục được tình trạng thâm vốn chủ sở hữu và từng bước cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 11/04, VTL công bố Nghị quyết ĐHDCD số 46 thông qua phương án phân phối số cổ phiếu chưa chào bán hết. Theo đó, 4,8 triệu cổ phiếu trị giá 48 tỷ đồng được chào bán cho Công ty TNHH xây dựng và đầu tư dịch vụ thương mại Thành Công.
Thời hạn nộp tiền thanh toán là từ ngày 12/4-14/4. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
CTCP Vang Thăng Long (VTL) tiền thân là Xí nghiệp Nước Giải khát Thăng Long, được thành lập năm 1989, trực thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Vang Thăng Long là nhà sản xuất vang đầu tiên tại Việt Nam
VTL chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2001. Năm 2005, cổ phiếu của Công ty được niêm yết và giao dịch tại sàn HNX.