Adam Neumann, đồng sáng lập và cựu CEO WeWork chia sẻ ông muốn khắc phục sự biến đổi khí hậu bằng tiền mã hóa. Cụ thể, Neumann muốn đưa tín dụng carbon (carbon credit) vào blockchain để dễ dàng mua bán hơn.
Công ty mới của Neumann có tên là Flowcarbon, và được rót vốn 70 triệu USD bởi công ty đầu tư mạo hiểm a16z.
Dự án không thiết thực
Trên trang chủ, Flowcarbon nhấn mạnh rằng hệ thống mua và bán tín dụng carbon trên thị trường truyền thống đang không rõ ràng. Nó gần như không có tính thanh khoản, khả năng tiếp cận hạn chế và thiếu sự minh bạch. Nhiệm vụ của Flowcarbon là giải quyết các vấn đề này.
Tín dụng carbon là một giấy phép của chính phủ hoặc cơ quan quản lý cấp cho các công ty. Với mỗi chứng nhận này, chủ sở hữu được phép thải ra môi trường 1 tấn CO2. Con số này cũng tương đương đối với các loại khí nhà kính khác.
Hiện tại, tín dụng carbon và phần bù đắp là 2 yếu tố quan trọng nhất của dự án. Bù đắp carbon đề cập đến một dự án giảm phát thải khí carbon dioxide để cân bằng với lượng khí thải từ dự án khác. Trong đó, các khoản tiền chủ yếu được sử dụng để mua tín dụng carbon nhằm bù đắp lượng khí thải thông qua các dự án ngăn chặn phá rừng.
Flowcarbon sẽ hoạt động thông qua việc tạo ra một token mới, được gọi là Goddess Nature Token (GNT). Các token này sẽ đại diện cho những tín dụng carbon và người dùng có thể giao dịch mua bán như bình thường.
Song, không giống như cổ phiếu hay tiền mã hóa, phần bù trừ carbon cần phải công khai ra thị trường để mọi người có thể theo dõi mức độ bảo vệ môi trường của công ty hay tổ chức. Do đó, nếu một đơn vị sử dụng Flowcarbon muốn tối ưu lượng khí nhà kính bằng cách đổi các khoản tín dụng carbon của họ, phần bù đắp sẽ khó được chứng minh.
“Tôi nghĩ họ đang cố gắng giải quyết một điều không thiết thực. Những ứng dụng của blockchain chỉ là đảm bảo mọi thứ không biến mất. Tuy nhiên, điều này không thực sự là một vấn đề với thị trường hiện tại. Các token tín dụng carbon có thể không tạo ra bất kỳ sự giảm carbon nào”, Robert Mendelsohn, giáo sư kinh tế và chính sách bảo vệ rừng tại đại học Yale nói với Recode.
Kế hoạch không cụ thể
Hiện tại, Flowcarbon vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để giải quyết các vấn đề của tín dụng carbon, theo Recode. Nicole Shore, người phát ngôn của Flowcarbon, chia sẻ qua email rằng các tín dụng carbon được hỗ trợ bởi GNT sẽ tuân theo các tiêu chí của thị trường toàn cầu và đến từ 1 trong 4 cơ quan đăng ký tín dụng carbon lớn.
Công ty cũng cho biết các tín dụng carbon đằng sau token của họ đã được chứng nhận. Song, Flowcarbon không nêu chi tiết quá trình chứng nhận này cũng như đảm bảo một hệ thống xác minh khác với thị trường tín dụng carbon hiện tại.
“Vấn đề với các thị trường hiện tại không liên quan gì đến cách chúng ta có thể giao dịch những thứ này hiệu quả hơn. Chúng ta không có đủ nguồn cung cấp”, Anil Madhavapeddy, Giám đốc Trung tâm Tín dụng Carbon của Đại học Cambridge chia sẻ.
Thay vì xây dựng một thị trường hoàn toàn mới cho các tín dụng carbon, ông Madhavapeddy cho biết chỉ muốn đảm bảo rằng những giấy phép này phải có tác động thực sự.
“Vì nguồn cung bị hạn chế nên bạn không cần phải token hóa những thứ này. Phải mất nhiều năm để các dự án bù đắp carbon có thể bắt đầu, vì vậy những thị trường được xây dựng hiện tại chỉ gây xáo trộn các dự án xung quanh”, Anil Madhavapeddy nhận định.
Verra, cơ quan đăng ký bù đắp carbon lớn nhất thế giới, đã thông báo trong tuần này rằng họ sẽ không cấp phép các tín dụng của mình nếu chúng bị token hóa. Verra cho biết thị trường tiền mã hóa sẽ tạo ra sự nhầm lẫn về các giấy phép của họ.
Bản thân ông Adam Neumann cũng đánh mất uy tín của mình sau thất bại của WeWork. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê không gian làm việc chung này bắt đầu hoạt động mạnh mẽ vào năm 2010 và thậm chí còn được tạp chí Fortune gọi là kỳ lân trong ngành. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã sụp đổ kể từ năm 2019 khi họ bắt đầu đợt IPO, khiến hơn 3.000 nhân viên bị mất việc.