Theo nguồn tin của Zing, kể từ tháng 11/2022, Thuận Việt Holding thông báo điều chỉnh mức giảm chi phí lương nhân sự cho các công ty Thuận Việt, Đầu tư kiến trúc xây dựng (TVC), SGD Newcity và Công ty CP tài sản thiết bị Thuận Việt (TVA).
Doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm lương
Cụ thể, đối với khối công trình, giữ nguyên lương cho những nhân viên có mức lương dưới 10 triệu đồng. Nhân viên có mức lương 10-20 triệu đồng, giảm 40% đối với mức lương trên 10 triệu. Ví dụ, với mức lương 15 triệu, mức giảm là (15 triệu đồng - 10 triệu đồng) x 40% = 2 triệu đồng, lương sau khi giảm là 13 triệu đồng. Nhân viên có mức lương trên 20 triệu, giảm 50% đối với phần lương trên 10 triệu đồng.
Chính sách lương này áp dụng đối với toàn bộ công trình, trừ các công trình Đà Lạt, công trình Quảng Ninh sẽ kết thúc trong tháng 11/2022.
Đối với khối văn phòng, cấp quản lý từ phó, trưởng phòng trở lên có mức lương trên 40 triệu, giảm 50% tổng lương. Nếu mức lương dưới 40 triệu sẽ giảm 40% tổng lương.
Các cấp quản lý, nhân viên còn lại sẽ chấm công tính lương theo thông báo ngày 2/11/2022, mức giảm tương đương 25%, nhưng sẽ không thấp hơn 8 triệu đồng.
Ngoài ra, các phòng ban căn cứ vào khối lượng công việc thực tế được giao xem xét lập kế hoạch và bố trí nhân sự đảm bảo tối ưu.
Nhà thầu xây dựng thông báo điều chỉnh mức giảm chi phí lương nhân sự. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tương tự, Công ty Cổ phần Xây Dựng Số 1 (Cofico) cũng thông báo điều chỉnh kỳ lương tháng 11 và tháng 12/2022. Theo đó, các cấp có mức lương trên 100 triệu, giảm 35-41%; các cấp có mức lương 50-100 triệu đồng giảm từ 30% đến dưới 35%; các cấp có mức lương 30-35 triệu, giảm từ 22% đến dưới 30%; các cấp có mức lương 15-30 triệu, giảm 3-20%.
Riêng đối với các cấp có mức lương dưới 15 triệu sẽ không bị điều chỉnh.
Doanh nghiệp này cho biết việc giảm lương chỉ tạm giữ và sẽ truy hoàn lại cho nhân viên khi tình hình kinh doanh công ty ổn định trở lại. Ngoài ra, từ ngày 19/11 tất cả nhân viên tại khối văn phòng sẽ nghỉ làm việc vào mỗi ngày thứ 7. Riêng các nhân viên kho ở Long An vẫn làm việc bình thường để phục vụ các hoạt động công trường. Đối với các trường hợp làm việc tại công trình sẽ được nhận lương bình thường.
Không chỉ cắt giảm lương, mới đây, một tập đoàn bất động sản hàng đầu tại TP.HCM cũng đã đột ngột cắt giảm hơn 40% nhân viên. Mỗi nhân viên được hưởng thêm một tháng lương. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ doanh nghiệp này, biện pháp cắt giảm mạnh đang tiếp tục được thực hiện, trong khi lương tháng 12 có khả năng chậm trả, thậm chí giảm mạnh.
BĐS gặp khó, nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản
Nhìn chung toàn thị trường, các doanh nghiệp xây dựng đều đang gặp khó. Mới đây, Coteccons phải lên tiếng trước những tin đồn về triển vọng kinh doanh cũng như việc giá cổ phiếu sụt giảm gần đây. Trong đó, ông lớn đầu ngành cho biết đang trích lập dự phòng 961 tỷ đồng cho các khoản phải thu của khách hàng đã ghi nhận doanh từ năm 2020 trở về trước, nhằm hạn chế nguy cơ tiêu cực từ thị trường và đảm bảo cho tài sản cho cổ đông.
Về hoạt động kinh doanh, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25,5% lên trên 8.300 tỷ đồng và có lãi tăng 16% lên 315 tỷ đồng. Tính riêng quý III, doanh thu tăng 191% và lãi gộp tăng 96% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãi gộp không tăng tương ứng với mức tăng của doanh thu bởi biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu xây dựng, cộng thêm các chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh. Đáng chú ý, tổng nợ xấu phải thu của Coteccons hơn 1.145 tỷ đồng.
Tình trạng cho khách hàng nợ ngày một nhiều và tăng trích lập dự phòng khó đòi của Coteccons cũng phản ánh một phần bức tranh chung của ngành xây dựng trong bối cảnh bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Ngành xây dựng trong bối cảnh bất động sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong lúc này, tình hình kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng chững lại. Để đảm bảo doanh thu, nhà thầu buộc phải cho khách hàng nợ ngày càng nhiều. Khoản tiền công ty cho khách hàng nợ tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 6.165 tỷ đồng, tương đương 57% doanh thu 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp.
Kết thúc quý III, doanh thu Hòa Bình tăng nhưng khoản phải thu cũng không ngừng tăng khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty thâm hụt hơn 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, tập đoàn đã phải trích lập dự phòng gần 415 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi tại ngày 30/9.
Trao đổi với Zing, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết các hệ sinh thái bất động sản đều bị ảnh hưởng từ nhà thiết kế, quản lý dự án, nhà thầu, nhà cung cấp đến sản xuất vật liệu xây dựng...
"Thời gian tới, nếu thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, một số nhà thầu có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi nguồn vốn không nhiều kết hợp với không được thanh toán dẫn đến nợ không thể trả. Bên cạnh đó, những nhà thầu không có sự hỗ trợ của ngân hàng hay tài sản có tính thanh khoản để có thể nuôi dưỡng bộ máy sẽ rất khó khăn", ông nói.
Để ổn định nền kinh tế, ông Hải kiến nghị Nhà nước nên đánh giá lại các công ty bất động sản mất khả năng thanh khoản, có khả năng phá sản và mua lại.
"Sau khi mua lại và tháo gỡ, giải quyết khó khăn đúng lúc về pháp lý và lựa thời điểm thích hợp để đấu giá. Nói là 'giúp' nhưng khi Nhà nước đầu tư vào cũng không sợ lỗ vì các dự án sau này cũng dễ thu hồi vốn", ông phân tích.
Tuy nhiên, để không gây áp lực quá lớn cho Nhà nước, ông khuyến nghị Nhà nước nên thương lượng trước với những người mua trái phiếu hoặc người gửi tiền ngân hàng chỉ trả lại gốc và số tiền gốc đó cũng sẽ trả chậm. Ông Hải cho rằng người dân sẽ chấp nhận phương án này.
Ngoài ra, Nhà nước cần nhìn nhận những đóng góp rất lớn của các công ty bất động sản trong giai đoạn 10 năm trước họ đã thúc đẩy sự đổi mới của bộ mặt đô thị tại Việt Nam.
Thời gian tới, nếu thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, một số nhà thầu có thể đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
"Chuyện đổ vỡ như hiện nay cũng đến từ những yếu tố khách quan. Đơn cử, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư xây rất nhiều nhưng không khai thác được do Covid-19 và xung đột địa chính trị. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại là 2 nhóm khách du lịch chính. Thế thì làm sao mà nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sống được trong 3 năm", ông nhấn mạnh
Bên cạnh đó, trước sức ép phải phải xây dựng vì đã nhận giấy phép đầu tư, nhà đầu tư buộc phải huy động vốn để xây dựng, xây xong lại không khai thác được thì khó mà trả lại vốn.