Sáng nay (25/10), đồng tệ giao dịch tại Thượng Hải giảm 0,6%, xuống còn 7,3076 nhân dân tệ đổi 1 USD. Trong khi đó đồng nhân dân tệ ở hải ngoại (offshore yuan) cũng lập đáy mới.
Đồng nhân dân tệ ở đại lục rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2007. Nguồn: CFETS, Bloomberg.
Đồng nội tệ của Trung Quốc diễn biến tiêu cực sau khi NHTW nước này là PBOC thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Giới phân tích nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng cho phép nhân dân tệ giảm giá sâu hơn nữa trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh mẽ trong suốt thời gian qua.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tỷ giá là do Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách Zero Covid bất chấp những ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế. Ngoài ra cũng như các đồng tiền khác, nhân dân tệ đang đứng trước áp lực rất lớn từ việc Cục dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất. Hiện chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc là khá lớn, thôi thúc dòng vốn chảy ra bên ngoài Trung Quốc.
Theo Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Oversea-Chinese Banking Corp, một loạt rủi ro xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn, đe dọa dòng vốn tháo chạy. Động thái điều chỉnh tỷ giá vừa qua cho thấy PBOC sẽ không sử dụng công cụ tỷ giá tham chiếu để chống lại đà giảm của nhân dân tệ.
Tuy nhiên thời gian gần đây Trung Quốc vẫn sử dụng một số biện pháp để làm chậm đà giảm mặc dù hiệu quả khá hạn chế. Ngay trước khi thông báo điều chỉnh tỷ giá, PBOC đã có chính sách giúp các công ty dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài hơn. Đồng thời các nhà hoạch định chính sách cũng khiến cho các trader tốn nhiều chi phí hơn nếu muốn bán khống nhân dân tệ thông qua các hợp đồng phái sinh.
Tại thị trường đại lục, đồng nhân dân tệ rơi xuống mức chỉ cách 0,01% so với mức giới hạn dưới trong khoảng dao động 2% quanh mức tỷ giá tham chiếu của PBOC. Đồng tệ chưa từng rơi xuống mức thấp như vậy kể từ tháng 8/2015, khi PBOC bất ngờ phá giá nội tệ và khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển.
Tuần trước, Phó Thống đốc PBOC Pan Gongsheng vừa tái khẳng định cam kết giữ tỷ giá “ổn định trong ngưỡng cân bằng và hợp lý”, đồng thời sẽ tiếp tục cải cách chính sách tỷ giá. Trong 1 bài báo mới đây, PBOC cho biết tỷ giá “sẽ tự cân bằng, do yếu tố cung và cầu quyết định” – dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ không can thiệp quá mạnh vào thị trường.
Yuting Shao, chuyên gia phân tích của State Street Global Markets nhận định trên Bloomberg Television rằng “với xu hướng nới lỏng tỷ giá như hiện nay, PBOC sẵn sàng để cho đồng nhân dân tệ yếu đi”. “Có lẽ thị trường đã phản ứng quá mức và nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi những thông tin chi tiết hơn về chính sách điều hành của Trung Quốc trong thời gian tới”.
Các tỷ phú Trung Quốc mất 12,7 tỷ USD trong 1 ngày
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã mất tổng cộng 12,7 tỷ USD tài sản sau khi cơn bán tháo bao trùm thị trường trong phiên giao dịch hôm qua (24/10).
Tỷ phú Pony Ma (ông chủ của tập đoàn công nghệ Tencent và hiện là người giàu nhất Trung Quốc) cùng với tỷ phú Zhong Shanshan (nhà sáng lập hãng nước đóng chai Nongfu Spring) mỗi người mất 2 tỷ USD do cổ phiếu lao dốc. Jack Ma, Robin Li và Richard Liu mất tổng cộng gần 3,5 tỷ USD do cổ phiếu của Alibaba, Baidu và JD.com dù niêm yết trên sàn New York nhưng cũng không tránh khỏi việc lao dốc.
Kể cả trước phiên giao dịch hôm qua, các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc vốn đã có 1 năm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Tính đến cuối tuần trước, có 76 tỷ phú Trung Quốc với tổng tài sản đạt 783 tỷ USD trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới mà Bloomberg thống kê. Hồi cuối năm ngoái, các con số lần lượt là 79 tỷ phú, tổng tài sản đạt 1,1 nghìn tỷ USD.