Đầu tháng 4, nhóm làm việc của Ngọc Ánh (25 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) bắt tay vào một trong những dự án quan trọng nhất năm.
Từ thời điểm họp phân chia nhiệm vụ, cô và các đồng nghiệp ngầm hiểu sẽ phải chạy deadline xuyên lễ 30/4-1/5 nhằm đảm bảo tiến độ chung. Một tuần trước lễ, hàng loạt nhiệm vụ bổ sung đổ về.
Đi làm 3 năm, nữ nhân viên sáng tạo nội dung đã quá quen với cảnh bận bịu khi bạn bè, người thân được nghỉ ngơi trong các dịp nghỉ lớn.
Ban đầu, Ánh khá khó chịu với lịch làm việc dày đặc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cô hầu như không từ chối bất kỳ nhiệm vụ nào được phân phó, bất kể trong lễ, Tết. Mọi kế hoạch du lịch xả hơi đều phải dồn hết sang giữa tháng 5.
“Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, chúng tôi hay tự đùa với nhau mình là kiểu ‘đi làm quanh năm’. Những dịp này là cơ hội tốt để cải thiện KPI cho cả bộ phận. Chưa kể, vì sống ở TP.HCM, không tốn thời gian di chuyển về quê, tôi dễ rơi vào thế khó xử nếu từ chối phần việc được giao trong mùa này”, Ánh nói.
Tương tự Ngọc Ánh, nhiều nhân sự văn phòng cũng bị công việc “chen chân” vào ngày nghỉ lễ. Một số không dám từ chối vì đặc thù nghề nghiệp. Trong khi đó, nhóm khác bấm bụng nhận nhiệm vụ để hưởng mức thu nhập cao gấp 3 ngày thường.
Làm lễ để hưởng OT cao
Thường xuyên tăng ca đến 22h tại công ty, kỹ sư IT Mạnh Đặng (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thông tin làm việc trong kỳ nghỉ lễ. Dù biết đây là đặc thù nghề nghiệp, anh vẫn mong chờ một ngày nghỉ không công việc.
“Máy móc, hệ thống không biết nghỉ ngơi. Vì làm việc với AI, code, tôi vẫn phải ôm chặt bộ PC ở nhà, laptop ở quán cà phê trong dịp lễ”, anh chia sẻ.
Khi nhận thông báo nghỉ dài ngày, Mạnh định về quê thăm bố mẹ và đi du lịch cùng bạn bè. Tuy nhiên, kế hoạch của anh khó thuận lợi khi phải buộc nhận thêm nhiều đầu việc lớn xuyên suốt từ 30/4 đến 3/5.
Ban đầu, lập trình viên này có ý không nhận thêm việc do đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn cho chuyến du lịch.
Song, Mạnh đang đảm nhiệm vị trí “đinh”, không thể nhờ ai quán xuyến hộ. Nếu tránh mặt trong ngày lễ, anh sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của đội, nhóm. Hơn nữa, các đồng nghiệp khác đều nhận việc nên anh đành phải gật đầu.
“Cấp quản lý cũng không hối thúc, giám sát kỹ như bình thường nên nhìn chung cũng ‘dễ thở’”, Mạnh bày tỏ.
Tuy nhiên, khó khăn của nhân viên văn phòng này chính là quản lý thời gian để đồng thời làm việc và thực hiện chuyến du lịch đã lên kế hoạch từ trước.
Do đó, Mạnh buộc mang theo laptop trong chuyến đi để tranh thủ làm việc tại sân bay và khách sạn.
Trong khi đó, Ngọc Ánh lại bình thản hơn. Thậm chí, cô còn được nhóm bạn thân hẹn đi cà phê chạy deadline để không thấy cô đơn.
“Khác với ngày thường, tôi được chủ động thời gian làm việc trong mùa lễ, miễn sao đảm bảo deadline và chất lượng thành phẩm. Dần dần, tôi thấy ngày nghỉ cũng chẳng có khác biệt gì. Thay vì tìm cách từ chối, tôi chủ động nhận việc luôn từ đầu. Nhờ đó, quản lý được thoải mái, tôi cũng không phải rơi vào cảnh chạy nước rút sau lễ như mọi người”, Ánh nói.
Cô gái 25 tuổi cho rằng sự đánh đổi xứng đáng nhất khi làm việc qua lễ là được đền bù ngày nghỉ. Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất nhiệm vụ của mình trong dự án, Ánh sẽ xin nghỉ xả hơi dài hạn bằng cách sử dụng ngày phép, kết hợp với những ngày nghỉ bù “tích cóp” trước đó.
Quản lý áy náy khi giao việc
Chia sẻ với Zing, Phương Hoàng (29 tuổi), quản lý bộ phận sản xuất nội dung mạng xã hội tại một công ty truyền thông tại TP.HCM, thừa nhận luôn áy náy khi giao nhiệm vụ cho nhân viên vào đợt lễ, Tết.
Tuy vậy, sau hơn 4 năm đứng ở vị trí điều hành, chị Hoàng cho rằng đây là điều cần thiết để đảm bảo KPI cho từng giai đoạn.
Thấu hiểu cái khó của cấp dưới, chị luôn cho mọi người đăng ký lịch làm việc trước giai đoạn lễ ít nhất 2 tuần. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho nhân viên là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Chẳng hạn, bên cạnh hưởng thù lao nhân 3 như quy định, nhóm chạy deadline trong 29, 30/4 và 1/5 được bù 3 ngày nghỉ phép và phí bồi dưỡng từ quản lý. Tương tự, nhóm trực vào ngày nghỉ bù (2, 3/5) nhận lương gấp đôi bình thường, kèm 2 ngày nghỉ phép.
“Dù là nhân viên hay quản lý, hiếm ai muốn làm việc trong lễ. Do đó, phần thưởng, đền bù phải xứng đáng với công sức họ bỏ ra”, Hoàng khẳng định.
Sở hữu một agency truyền thông hoạt động trong lĩnh vực nightlife, Quốc Anh (33 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không nghỉ lễ theo lịch phổ thông trong 2 năm nay. Theo chia sẻ của anh, lễ, Tết là dịp công việc của team tăng gấp đôi do đặc thù ngành.
“Khi mọi người tụ tập bạn bè, ăn uống vui chơi, chúng tôi bắt đầu làm việc. Phần lớn công việc không thể giải quyết trước kỳ nghỉ do nhiều vấn đề phát sinh”, Quốc Anh nói.
Đây là vấn đề anh luôn chia sẻ thẳng thắn với nhân sự từ khâu tuyển dụng. Giống như các ngành du lịch, lữ hành, nhân viên tất cả các bộ phận của lĩnh vực nightlife đều phải làm việc xuyên kỳ nghỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng.
Để tránh khiến nhân sự bức xúc, chán nản vì áp lực doanh số cao, Quốc Anh quyết định tăng mức lương thưởng lên 1,5-2 lần để thúc đẩy tinh thần làm việc.
Bên cạnh đó, anh hạn chế giao việc gấp, lên kế hoạch chi tiết trước ngày lễ để quản lý và nhân viên cùng sắp xếp thời gian hợp lý.
Ngoài ra, Quốc Anh cũng cân đối khối lượng công việc cho từng nhân sự để tránh tình trạng quá tải. Tuy nhiên, khi giảm đầu việc cho nhân viên, anh buộc phải tự đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ để đảm bảo KPI, hiệu quả chiến dịch truyền thông, dễ dàng nghiệm thu với đối tác sau khi dịp lễ kết thúc.
Nếu nhân sự nào thông báo có việc cá nhân cần giải quyết gấp, Quốc Anh là người thay thế vị trí đó. Đó là kế hoạch dự phòng anh đề ra sau khi rút kinh nghiệm từ các kỳ nghỉ lễ trước.
“Nhiều người nhận việc trước ngày nghỉ song lại không thể hoàn thành kịp deadline, từ chối công việc vì chuyện cá nhân ngay trước ‘giờ G’ khiến tôi không kịp xoay xở”, người đứng đầu agency nói.
Theo luật sư Nguyễn Đình Thành, thành viên Đoàn luật sư TP.HCM, Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nếu đi làm đúng ngày 30/4 và 1/5, ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.
Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày 30/4 và 1/5 được trả lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.
Ngoài ra, dựa trên Khoản 3, Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn về tiền lương làm thêm giờ trong ngày nghỉ bù, mức thù lao người lao động được hưởng khi đi làm trong ngày 2,3/5 năm nay được tính như sau:
- Tiền lương làm thêm ban ngày = 200% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
- Tiền lương làm thêm ban đêm = 270% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.