Ngành công nghệ Mỹ từ lâu đã dựa vào chương trình thị thực H-1B để đáp ứng nhu cầu về lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn như khoa học máy tính và kỹ thuật. Amazon, Lyft, Meta, Salesforce, Stripe và Twitter đã thuê ít nhất 45.000 nhân lực theo thị thực H-1B trong ba năm qua, theo phân tích của Bloomberg về dữ liệu từ Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ.
Tin tức từ các nhân viên tại Meta và Twitter chỉ ra rằng đợt cắt giảm việc làm mới nhất chỉ riêng tại 2 công ty này đã ảnh hưởng đến ít nhất 350 người nhập cư. Những người ở Mỹ theo thị thực H-1B nếu bị thất nghiệp sẽ bị trục xuất sau 60 ngày không tìm được công ty mới.
Hơn một chục nhân sự bị cắt giảm gần đây đã nói chuyện với Bloomberg và yêu cầu giấu tên để tránh chọc giận sếp cũ hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình tìm việc. Một người từng làm thiết kế tại Twitter, 30 tuổi, đã ở Mỹ 14 năm cho biết cô sống trong nỗi lo sợ bị trục xuất.
Công cụ đắc lực của các công ty công nghệ Mỹ
Chương trình H-1B cho phép nhà sử dụng lao động Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có bằng đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật trước đây thường thiếu người Mỹ.
Thị thực có thời hạn 3 năm, có thể gia hạn. Mỗi năm chỉ có tối đa 85.000 thị thực này, và mức độ cạnh tranh là khốc liệt, đặc biệt là đối với các chuyên gia Ấn Độ. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, mức lương trung bình cho một nhân lực H-1B đang vào khoảng 106.000 USD một năm.
Reality Labs, phòng thí nghiệm phát triển vũ trụ ảo của Meta, chiếm khoảng 20% nhân sự của công ty, đã bị cắt giảm hàng nghìn nhân sự trong đợt sa thải 11.000 người. Ảnh: uploadvr.
Nhưng nhân viên tại các công ty công nghệ hàng đầu kiếm được nhiều hơn thế. Mức lương trung bình hàng năm cho một nhân viên có visa dạng H-1B tại Meta, Salesforce và Twitter là khoảng 175.000 USD, chưa bao gồm các khoản tiền thưởng và quyền mua cổ phiếu.
Việc sa thải đã có tác động đặc biệt lớn đến các nhân sự Ấn Độ. Họ có xu hướng xin thị thực tạm thời lâu hơn so với các chuyên gia nước ngoài khác, vì phải "xếp hàng dài" chờ thẻ thường trú hay thẻ xanh định cư.
Thông thường Mỹ chỉ cấp thẻ xanh cho tối đa 7% số người trong một nhóm lực lượng lao động nước ngoài. Có gần 500.000 công dân Ấn Độ đang xếp hàng, trong khi nhóm này chỉ được cấp thêm khoảng 10.000 thẻ xanh mỗi năm.
Một báo cáo của Quốc hội Mỹ ước tính rằng người Ấn Độ nộp đơn vào năm 2020 sẽ phải đợi tới 195 năm để có thẻ xanh. Người Trung Quốc phải chờ đợi 18 năm. Đối với công dân nước khác, thời gian thường dưới một năm.
Đầu năm nay, một nhân viên làm việc theo thị thực H-1B từ Ấn Độ mua một căn nhà ở Seattle để làm việc tại Meta. Bây giờ, chưa đầy một năm sau, anh đang phải tìm một công ty mới. Chuyên viên quản lý sản phẩm kỹ thuật này là ông bố 2 con, có bằng MBA và đã sống ở Mỹ 15 năm.
Anh cho biết đang lùng sục các mạng LinkedIn, WhatsApp và "rải CV" khắp nơi. “Ngay cả sau 15 năm tuân thủ luật pháp, chúng tôi cũng không có cách nào được ở lại nếu không có việc mới, nhưng thông thường tìm việc sẽ phải mất hàng tháng”, chuyên viên này cho biết.
Các công ty phải trả tiền cho người lao động H-1B trở về nước nếu họ phải rời Mỹ sau khi mất việc. Nhưng 5 cựu nhân viên của Twitter có thị thực tạm thời cho biết công ty đã hỗ trợ rất ít và không nói rõ thời hạn 60 ngày bắt đầu từ bao giờ.
Văn phòng Twitter tại San Francisco, nơi vừa sa thải hơn 3.000 nhân sự. Ảnh: flickr.
Twitter dưới quyền Elon Musk ra thông báo sau đó đuổi việc nhân viên ngay lập tức, trong khi theo luật công ty này phải thông báo trước 60 ngày. Nhưng nền tảng mạng xã hội cho biết họ trả lương nhân viên như vẫn đang làm việc trong 60 ngày đó.
Khi một cựu nhân viên yêu cầu làm rõ, đại diện công ty nói rằng hãy tìm luật sư riêng, vì luật có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Nỗi lo sợ của nhân viên nhập cư
Vidhi Agrawal, một người có thị thực H-1B từ Ấn Độ nhưng may mắn không bị sa thải, đã xây dựng cơ sở dữ liệu về những người lao động H-1B đang cần việc làm. Bộ dữ liệu hiện liệt kê hơn 350 người.
Nhiều người có thị thực H-1B đã sống ở Mỹ trong nhiều năm, đang chờ thẻ xanh. Giờ đây, họ phải vội vã tìm kiếm việc làm, trong cuộc cạnh tranh với hàng nghìn nhân viên công nghệ khác cũng là nạn nhân của làn sóng sa thải.
“Thật đáng sợ khi được cấp thị thực nhưng sau đó mất việc làm, đặc biệt là khi bạn có con và phải gấp rút ra khỏi nước", Agrawal nói.
Tình hình càng tệ hơn khi nhiều nhà tuyển dụng lớn đã ngừng tuyển dụng hoặc hạn chế tuyển dụng gần các ngày lễ. Những người bị sa thải phải tìm mọi cách, từ mạng lưới cá nhân đến "chào mời" trên LinkedIn và các mạng xã hội.
Cecy Cervantes, nhà tuyển dụng tại một công ty khởi nghiệp công nghệ quy mô nhỏ ở New York, cho biết LinkedIn "ngập tràn" các bài đăng tìm việc từ những người mang thị thực H-1B đột ngột bị sa thải.
Tim Cook mới đây cho biết Apple sẽ hạn chế tuyển dụng, giống như nhiều công ty lớn trong ngành trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh: Bloomberg.
Aditya Tawde, một kỹ sư đến từ Ấn Độ làm việc tại LinkedIn, gọi hỗ trợ nhập cư từ các công ty công nghệ Mỹ là “tối thiểu”. Anh này đã bị TripAdvisor sa thải khi đại dịch bắt đầu, và đã phải phỏng vấn với 25 nhà tuyển dụng khác nhau. Tawde may mắn tìm được việc trước thời hạn trục xuất 2 tuần.
Giám đốc điều hành của Meta, Mark Zuckerberg, người đã thông báo cắt giảm 11.000 việc làm trong tháng này, nói với nhân viên rằng những người có thị thực sẽ được “báo trước” và được "hỗ trợ từ bởi các chuyên gia về vấn đề nhập cư”.
Nhưng một cựu nhân viên của Meta nói rằng cuộc tư vấn không hữu ích. Luật sư đưa ra lời khuyên tương tự như bên Twitter, "hãy tìm luật sư của riêng bạn”.
Stripe, công ty phần mềm thanh toán đã cắt giảm hơn 1.000 việc làm trong tháng 11, cũng cho biết sẽ tư vấn và hỗ trợ nhân viên nhập cư. Lyft cho biết họ sẵn sàng giữ nhân viên trong biên chế thêm vài tuần để kéo dài thời gian thị thực.
Theo một số nhân viên cũ, Amazon đang cho người lao động 60 ngày để tìm một công việc khác, nhằm kéo dài thời gian được ở lại Mỹ. Salesforce từ chối bình luận về việc liệu họ hỗ trợ về vấn đề nhập cư cho những người bị sa thải hay không.
Một số nhân viên công nghệ đã từ bỏ hy vọng. Một giám đốc sản phẩm 34 tuổi bị một công ty fintech lớn sa thải nói rằng anh đã sẵn sàng quay trở lại Ấn Độ. Tốt nghiệp Đại học Chicago, anh này đã sống và làm việc ở Mỹ được 7 năm.
Anh nói rằng việc trở về quê hương Bengaluru có thể là "trong cái rủi có cái may", và sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ già và thành lập công ty riêng. “Tôi kiệt sức và không thấy hy vọng nào ở đây”, anh nói.