Sau hơn 6 năm bước vào thị trường lao động, Ngân Hà (28 tuổi), nhân viên nội dung marketing tại Hà Nội, thừa nhận cô đã qua thời gian ngại ngùng chuyện deal lương với nhà tuyển dụng.
Hà kể lần đầu tiên đi ứng tuyển, cô không hỏi về mức lương, công ty quy định thế nào đều tuân theo, thậm chí chấp nhận việc không có hợp đồng lao động.
Hà nhảy việc sau một năm vì cảm thấy bí bách. Sau đó, cô làm full-time cho công ty của người quen và học hỏi được nhiều từ cấp trên.
Khi kinh nghiệm làm việc tăng lên, Ngân Hà không còn ngần ngại chuyện deal lương với nhà tuyển dụng.
Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, Hà tự tin hơn khi đi phỏng vấn. Cô sẵn sàng thỏa thuận lương với nhà tuyển dụng dựa trên năng lực và đóng góp có thể ở vị trí đó, cũng như nắm rõ mức lương thị trường.
“Qua trao đổi, tôi cũng có đánh giá và cảm nhận riêng về công ty cũng như người quản lý tương lai, rằng họ có chặt chẽ trong vấn đề lương, thưởng, phân công công việc hay không”, cô nói.
Ngại deal lương khi mới đi làm không phải chuyện chỉ xảy ra với Ngân Hà. Không ít người trẻ bối rối khi nói về mức lương mong đợi với nhà tuyển dụng vì “cao thì sợ lố, thấp thì sợ hớ”, dẫn đến bị đánh trượt hoặc thiệt thòi sau này.
Trao đổi thẳng thắn
Khi phỏng vấn vị trí nhân viên viết nội dung cho công ty truyền thông vào tháng 9, Hải Lan (22 tuổi, TP.HCM) rất lo lắng về mặt chuyên môn. Cô run tới mức quên tính tới chuyện deal lương với nhân sự (HR).
“Khi HR hỏi mức lương mong muốn, tôi nói rằng ít nhất 8-9 triệu đồng, trong đầu nghĩ đó là lương net (số tiền thực nhận sau khi khấu trừ hết các khoản chi phí), không phải gross (tổng tiền mà doanh nghiệp trả). Tuy nhiên, ngay sau đó, tôi bối rối nên nhấn mạnh số tiền đó chỉ bao gồm lương cứng và bonus. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao mình lại nói vậy”, cô kể.
Trước đó, Lan làm việc cho công ty theo hình thức cộng tác. Cô mới viết ít bài nên chưa có hình dung chính xác về mức lương trung bình.
Lan cũng tham khảo thông tin từ nhân viên chính thức ở đây, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác lúng túng.
“Tôi sợ deal lương cao quá rồi khi vào thử việc không đạt, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá tôi nói quá cho qua phỏng vấn. Ngược lại, nếu báo thấp hơn, có khi tôi lại làm được nhiều hơn con số đó”, cô giải thích.
Hải Lan tìm việc dựa vào các yếu tố như lương, quan hệ, kinh nghiệm, sở thích và hướng phát triển. Nếu job nào thỏa mãn 3-4/5 yếu tố, cô sẽ lựa chọn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Đây là điều lần đầu tiên xảy ra với Lan. Trước đó, khi ứng tuyển vị trí tư vấn viên full-time cho trung tâm tiếng Anh, cô tham khảo về mức lương và thẳng thắn đưa ra con số bản thân mong muốn với HR, một phần vì làm đúng chuyên ngành.
Ở 2 nơi tuyển dụng tiếp theo, khi được hỏi về mức lương kỳ vọng, thái độ của Lan cũng không hề e dè dù làm trái ngành.
“Tôi luôn nghiêm túc, nếu đậu sẽ cố gắng làm chứ không phải đi phỏng vấn dạo. Tôi thường không đưa ra con số chính xác, mà nói trong khoảng bao nhiêu rồi thêm phụ cấp xăng xe, ăn trưa,...”.
Bên cạnh đó, Lan chỉ ứng tuyển công việc công khai lương trong JD (bản mô tả công việc), còn không cô sẽ hỏi HR hoặc bỏ qua.
Tùy vị trí, Lan sẽ đánh giá bản thân nhận được gì và khả năng có thể giải quyết hết nhiệm vụ cũng như chạy đủ KPI hay không. Nếu trong 2 tháng thử việc, cô nhận ra lương đã deal thấp hơn khả năng mình có, cô sẵn sàng đề xuất để thỏa thuận lại với nhà tuyển dụng.
“Tuy nhiên, nếu khối lượng công việc nhiều, lương thấp ở mức chấp nhận được, nhưng tôi cảm thấy bản thân còn thiếu kinh nghiệm và cần học hỏi thêm, tôi có thể vẫn làm tiếp. Vì thực tế, nếu deal lương cao hơn, nhưng năng lực không đủ thì cũng không ổn”, cô bày tỏ.
Lan chưa chính thức nhận mức lương thử việc của tháng này. Tuy nhiên, cô dự tính con số sẽ nhiều hơn mục tiêu đặt ra ban đầu là 8-9 triệu đồng.
Tìm hiểu kỹ
Trao đổi với Zing, bà Trần Thị Ngọc Thảo, người sáng lập cộng đồng HR Talks, cho biết việc ứng viên đưa ra mức lương phù hợp với vị trí nhà tuyển dụng đang tìm kiếm rất phổ biến ngày nay, bởi điều đó thể hiện tinh thần “win-win” (đôi bên cùng có lợi) trong phỏng vấn.
Tuy nhiên, để thành công trong “thương vụ” này, ứng viên cần lưu ý một số điểm sau:
- Tìm hiểu thật kỹ công việc ứng tuyển: thông tin công ty, môi trường làm việc, văn hóa,….
- Khai thác thông tin từ người quản lý tương lai: khối lượng công việc, vị trí thay thế hay mới, công việc có phải làm thêm giờ hay không.
- Tham khảo mức lương thị trường, tự đánh giá năng lực bản thân và định giá.
- Nhắc lại cho nhà tuyển dụng thấy lý do đưa ra mức lương như vậy và khẳng định bản thân phù hợp ở mức độ nào.
Bà Thảo nhận định việc thống nhất được mức lương mà đôi bên thấy hợp lý sẽ giúp ứng viên thấy năng lực mình được đánh giá đúng. Từ đó, họ sẽ có thêm động lực để cống hiến và đóng góp tích cực về sau.
Bà Thảo nói thêm không ít trường hợp nhờ bà tư vấn cách deal lại lương với nhà tuyển dụng vì lần đầu trót đưa ra con số quá thấp.
Nguyên nhân là vòng đầu phỏng vấn với bộ phận HR, được giới thiệu sơ qua JD, ứng viên ước lượng mức lương phù hợp ngay thời điểm đó. Tuy nhiên, qua vòng gặp quản lý trực tiếp, họ được hiểu sâu hơn về chuyên môn và khối lượng công việc khác xa ban đầu.
Lúc này, ứng viên nên chủ động chia sẻ mong đợi ở cuối buổi phỏng vấn về sự khác biệt, đồng thời đề xuất mức lương mới.
Bà lưu ý điều này nên kèm theo lời giải thích về sự thay đổi để tránh việc gây ra hiểu lầm rằng ứng viên nói hai lời.
Nói riêng về Gen Z, nhóm sẽ chiếm phần lớn lực lượng lao động trong thời gian tới, bà Thảo cho biết theo kinh nghiệm cá nhân, bà thấy thế hệ này rất thẳng thắn và tự tin vào bản thân. Đôi khi, họ đưa ra mức lương kỳ vọng quá cao so với năng lực bản thân có.
Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ phải chỉ ra được yêu cầu và kết quả đánh giá để đưa ra mức lương hợp lý. Quan trọng hơn hết, nhân sự Gen Z cũng nên tìm hiểu thị trường, quan sát nhu cầu tuyển dụng xung quanh để đưa ra mức lương kỳ vọng hợp lý, bởi nếu quá tự tin, đôi khi sẽ khó tìm được sự phù hợp.
Theo người sáng lập cộng đồng HR Talks, phỏng vấn chỉ là “buổi hẹn hò đầu tiên”. Vì vậy, ứng viên đánh giá bản thân không quan trọng bằng người khác đánh giá về họ.
“Bạn có biết giá trị cốt lõi của mình là gì không? Bạn tạo ra giá trị của bản thân và làm nó trở nên hữu hình với những người xung quanh thế nào? Đừng bao giờ yêu cầu người khác tôn trọng việc bạn làm, trừ khi chính bạn cho người khác tự nhận thấy họ phải tôn trọng bạn vì bạn đang tạo ra lợi ích cho họ. Nếu không có bạn là sự mất mát với họ, đó là giá trị!”, bà kết luận.
Về phía Ngân Hà, vấn đề deal lương ngoài cần kinh nghiệm làm việc, còn thêm kinh nghiệm sống. Cô cho rằng bên cạnh nghiên cứu kỹ JD và khảo sát mức lương thị trường, ứng viên cũng nên giữ tâm lý thoải mái và tự tin nhất định.
Ngoài ra, hồ sơ xin việc ấn tượng, khoe được điểm mạnh cũng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng mức lương ứng viên đề xuất là xứng đáng.
“Trong JD thường ghi mức lương trong khoảng bao nhiêu, nếu đôi bên thỏa thuận càng rõ ràng thì đi vào làm việc càng dễ dàng hơn. Khi nhận thấy công việc đội lên so với thỏa thuận ban đầu, người lao động phải phản ứng ngay để bảo vệ quyền lợi của mình. Tất nhiên, điều đó cần đi kèm sự đối chiếu, bằng chứng rõ ràng, hợp lý”, cô nói.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.