Trong nhiều năm, Paul Williams từng phụ trách quá trình tuyển dụng thực tập sinh quốc tế ở một công ty thuộc Eurostoxx. Các sinh viên tốt nghiệp cần được đánh giá về mức độ phù hợp cho vị trí lãnh đạo, vậy nên mỗi năm, công ty sẽ tập trung tìm kiếm ứng viên ở bốn đến sáu trường đào tạo về doanh nghiệp quốc tế. Hồ sơ của từng sinh viên sẽ được sàng lọc trước dựa trên các tiêu chí như học vấn, ngôn ngữ nước ngoài, và các hoạt động ngoại khóa thú vị khác.
Số lượng ứng viên sẽ được rút gọn xuống trong một cuộc “phỏng vấn cấp tốc” dài 30 phút để quyết định xem ai sẽ là người được mời đến trung tâm đánh giá. Câu hỏi mấu chốt là tiêu chí nào nên được áp dụng trong những cuộc phỏng vấn như vậy. 30 phút là không đủ cho một cuộc phỏng vấn nghiên cứu chuyên sâu về hành vi, vậy nên tiêu chí đó cần phải ngắn gọn và thú vị.
“Chúng tôi đã nghĩ ra ‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút). Đó là bởi vì chúng tôi nghĩ rằng những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không? Họ hào hứng đến mức nào khi nói về chủ đề X? Tôi có bị cuốn hút bởi câu chuyện họ kể không hay đó chỉ là một cuộc đối thoại khô khan?
Với phương thức này, công ty đã phát hiện ra rất nhiều thực tập sinh tài năng, những người sau này đều rất thành công, nhưng dĩ nhiên cả quá trình cũng phát sinh một vài sai lầm đáng tiếc.
Chẳng hạn như có lần, một ứng viên ghi từ “vẹt” vào mục sở thích trong sơ yếu lý lịch. Hóa ra ứng viên này có nuôi hai con vẹt đuôi dài, giống vẹt lớn đến từ Nam Mỹ. Chúng là những sinh vật cực kì thông minh, thân thiện và có thể sống đến 60 năm.
Paul Williams, tình cờ là một nhà sinh học và người yêu động vật, hứng thú đến độ anh đã dành tận 20 phút của buổi phỏng vấn chỉ để nói về loài chim này, và dĩ nhiên, cuộc trò chuyện cực kì hấp dẫn, tràn đầy hứng khởi và… cuốn hút.
Vậy nhưng, những điều này thì có liên quan gì đến kĩ năng lãnh đạo và mức độ phù hợp cho công việc quản lý? Ứng viên này sau đó được mời đến trung tâm đánh giá và đến thực tập cho công ty, nhưng chẳng bao lâu sau họ nhận ra anh chàng này không có tố chất như họ mong muốn và thế là anh chàng phải rời khỏi công ty theo đúng quy định.
Cá nhân Paul cũng đã rút ra được bài học cho riêng mình, nhưng còn một bài học nữa liên quan đến những phương thức tuyển dụng theo cách này. Tố chất lãnh đạo cần nhiều hơn là khả năng kể một câu chuyện hấp dẫn, và nó cũng chẳng phải là sự nghiệp đầu tiên hay cuối cùng được xây dựng trên nền tảng của một bài thuyết trình tốt.
Kĩ năng giao tiếp và một “nhân tố F” tốt có thể là một dấu hiệu của thành công sau này, nhưng để đưa ra một phán đoán đúng đắn về phẩm chất lãnh đạo, bạn cần có một quá trình tuyển chọn sâu và rộng hơn những gì được minh họa ở đây.