Nội dung chính:
- Gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam “ngẫu nhiên” có các phiên giao dịch đồng pha với thị trường chứng khoán Mỹ.
- Nội tại nền kinh tế Việt Nam là yếu tố chính tác động đến thị trường chứng khoán hiện nay.
- Chi tiêu Chính phủ trở thành mũi nhọn, ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán ở giai đoạn này.
Trong phiên giao dịch đầu tuần vừa qua, VN-Index tăng hơn 27 điểm để kết phiên ở mức xấp xỉ 1.069 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát đi thông điệp từ các phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.
Ông Long cũng đồng tình với ý kiến phiên giao dịch đầu tuần tăng điểm mạnh do thị trường “quá phấn khích” sau Hội nghị về bất động sản của Chính phủ, từ đó đẩy giá cổ phiếu ngành bất động sản tăng cao.
Tuy nhiên, ngày 22/2, thông tin “khất nợ” lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của Novaland cùng thời điểm chứng khoán toàn cầu lao dốc đã đẩy thị trường trong nước giảm sâu. Cổ phiếu nhóm bất động sản giảm điểm, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một phần nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp bất động sản liên tục khó khăn khiến rủi ro nợ xấu của ngân hàng gia tăng.
Trước đó, tối ngày 21/02, Novaland phát đi thông báo cho biết đã rất nỗ lực thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn của lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/2/2023. Công ty đề xuất trong 2 tháng sẽ cùng trái chủ đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền.
Novaland đồng thời đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do Công ty đang đầu tư và phát triển.
Các phiên giảm điểm trong tuần đã xóa sạch đà tăng ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tuần. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần này ở mức xấp xỉ 1.040 điểm, giảm gần 20 điểm so với đầu tuần.
Ông Long nhận định chỉ số VN-Index chỉ ngẫu nhiên có sự đồng pha với thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện tại, tác động từ thị trường Mỹ với chỉ số chứng khoán Việt Nam khá yếu.
Những yếu tố chính tác động đến diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong các phiên giao dịch vừa qua là tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề thanh khoản, khả năng trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, “việc thị trường giảm điểm là hợp lý, chứng khoán Việt Nam chỉ tình cờ đồng pha chứ không hẳn chịu ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ” - ông Long cho biết.
Nội tại kinh tế kéo dài đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo ông Long, nội tại nền kinh tế là nhân tố rất quan trọng, tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Với mức lãi suất cao, vấn đề thanh khoản, các yếu tố ngoại vi,... ông Long dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ suy giảm trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt, khối ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn.
“Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào bất động sản. Khi bất động sản khó khăn hệ thống ngân hàng cũng gặp khó, thu nhập dân cư bị ảnh hưởng dẫn đến chi tiêu tiêu dùng chịu tác động, tạo ra vòng xoáy đi xuống.” - ông Long nói.
Tại báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2023 cho thấy, Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 1/2023. Ông Long nhận định mức PMI dưới 50 sẽ tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân khiến chi tiêu thắt chặt, từ đó ảnh hưởng đến ngành bán lẻ. Vì vậy, ông Long dự báo ngành bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những yếu tố ngoài thị trường như quan điểm “diều hâu” của Fed; tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước phát triển đang ở mức thấp kỷ lục; kết quả kinh doanh của các “ông lớn” bán lẻ như Walmart, Home Depot sụt giảm; căng thẳng địa chính trị (Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin,...) cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến chứng khoán trong nước ở giai đoạn này.
Ông Long cho rằng các nội dung liên quan đến vấn đề địa chính trị có thể kích hoạt những hoạt động “thế giới không thể tưởng tượng được”.
Chi tiêu Chính phủ trở thành mũi nhọn
Ông Long cho rằng gần đây, lãi suất trái phiếu chính phủ đang sụt giảm rõ nét là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước có dư địa tốt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không tăng lãi suất trong thời gian tới.
Tỷ giá USD/VND và lãi suất đang dần ổn định, chính sách tiền tệ sẽ giảm mức độ ảnh hưởng đến thị trường. Do đó, chi tiêu Chính phủ trở thành mũi nhọn, tác động lớn đến thị trường.
Hiện tại, đầu tư công là điểm nhấn chính của kinh tế nước ta. Dễ thấy, quý 4/2022, các tin tức về kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Chính phủ đã tác động lớn đến thị trường chứng khoán nói riêng.
Theo ông Long, trong ngắn hạn, chúng ta cần có chính sách, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trước mắt là giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích thích thanh khoản, nhờ đó nền kinh tế sẽ “hạ cánh mềm”, giảm thiểu ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp và ngành bất động sản.
“Về lâu dài, cần có chiến lược tái cấu trúc ngành và toàn nền kinh tế vì chúng ta đang chậm chân hơn các quốc gia trong khu vực về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ.” - ông Long xác định.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Chứng khoán Mỹ lao dốc, thị trường Việt Nam liệu có ảnh hưởng?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.