Suất đặt trước, nhận máy sớm ở đợt hàng đầu tiên của iPhone 14 series tại các nhà bán lẻ trong nước đều gần như đã hết. Người dùng muốn sở hữu các model như iPhone 14 Pro/Pro Max màu Deep Purple, bộ nhớ 128 GB phải đợi đến đợt hàng tiếp theo, về sau 2 tuần đến một tháng.
Ngược lại với tình trạng khan hàng của những khách cá nhân, người kinh doanh iPhone, dân buôn điện thoại tỏ ra thoải mái, tự tin cho một mùa mua bán thuận lợi. Họ đặt thành công nhiều model được quan tâm, bằng cách liên kết với nhân viên của các nhà bán lẻ.
Nói với Zing, ông T.Hưng, người kinh doanh di động tại TP Hà Nội cho biết bản thân không gặp nhiều khó khăn trong việc đặt hàng tại các hệ thống bán lẻ lớn. “Tôi vốn ít, làm một mình nên gom được khoảng vài máy. Có lực vẫn có thể ôm thêm”, ông Hưng chia sẻ.
Theo người này, những “tay chơi” lớn trong mảng kinh doanh iPhone đều đã đặt trước mỗi người hàng trăm máy tại các nhà bán lẻ. Trong đó, sản phẩm được đặt nhiều nhất là iPhone 14 Pro Max màu tím mới với các bộ nhớ thấp. Đây là một số lượng lớn, đóng góp vào các kỷ lục đặt trước máy tại những hệ thống chính hãng.
“Người bình thường đặt khó, chứ bọn anh không phải vấn đề. Quan hệ tốt với các bạn sale (nhân viên kinh doanh), màu gì, mẫu nào, số lượng bao nhiêu cũng có”, người bán iPhone chia sẻ.
Các nhân viên kinh doanh tại những hệ thống bán lẻ cũng bị áp KPI (chỉ tiêu) doanh thu trong năm. Do đó, họ phải tìm cách bán được nhiều hàng nhất có thể. Đồng thời, iPhone là mặt hàng di động có giá trị cao, mang lại doanh thu lớn. Nên những cá nhân này liên kết với người kinh doanh bên ngoài, nhằm "chạy số", tăng chỉ tiêu.
Mặt khác, việc bán cho khách cá nhân, phải cạnh tranh nhiều nhưng không được cộng số cho các nhân viên của cửa hàng.
Ông V.T, một người bán iPhone tại TP.HCM cho biết việc liên kết với nhân viên trong các cửa hàng được thực hiện một cách khéo léo. Theo đó, các nguyên tắc về việc mỗi người mua một máy, chỉ đăng ký một số điện thoại, cọc trước theo từng sản phẩm được thực hiện theo đúng yêu cầu của các đại lý đưa ra.
Tuy nhiên, quá trình được nhân viên cửa hàng hỗ trợ nên thực hiện nhanh và được ưu tiên hàng hóa, có máy sớm, đúng phiên bản đã chọn.
Trả lời Zing, đại diện FPT Shop cho biết đại lý có hệ thống quy định nghiêm ngặt cho nhân viên, kèm án phạt nếu vi phạm. Theo đó, hàng hóa chỉ được bán cho khách hàng cuối và sản phẩm phải được kích hoạt để chống đầu cơ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS cho biết tình trạng này phụ thuộc vào quy định của mỗi doanh nghiệp. Ông Huy cho biết hệ thống này hiện ưu tiên sản phẩm cho khách hàng là người dùng cuối, cấm bán sỉ. Ngoài ra, các quản lý, nhân viên vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết có áp dụng các biện pháp như đặt cọc theo số điện thoại, buộc kích hoạt tại chỗ... để chống đầu cơ. "Ngoài ra, lượng máy phân bổ tại mỗi cơ sở cũng không nhiều để phục vụ bán sỉ", phía cửa hàng nói.
Việc dân kinh doanh iPhone đầu cơ lượng lớn máy từ các nhà bán lẻ chính hãng tạo ra tình trạng khan hàng trong giai đoạn đầu mở bán. Chính sách không nhất quán, quản lý thiếu chặt chẽ của các hệ thống khiến người dùng cuối không được mua hàng đúng giá, trải nghiệm mua sắm giảm sút.
Những biện pháp chống gom mua, bán lại của đại lý chính hãng vẫn chưa thể hiện được mức độ hiệu quả đáng có. Người dùng không mua được các phiên bản mình cần, phải chờ đợi nhiều tháng. Trong khi đó, giới kinh doanh bên ngoài tự tin gom hàng, chuẩn bị bán lại kiếm lời.