Sáng 26/6, TAND TP Hà Nội đưa xét xử đối với bị cáo Lưu Thị Ngọc Hằng (SN 1985, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và Nguyễn Thu Hằng (SN 1990, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lập khống danh sách chi thưởng
Vào cuối năm 2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng – Hà Nội nhận được đơn của Công ty TNHH MTV V. tố giác Lưu Thị Ngọc Hằng và Nguyễn Thu Hằng có hành vi lập khống danh sách chi thưởng cho người giới thiệu nhân sự vào làm việc tại Công ty V. để lấy tiền tiêu xài.
Quá trình điều tra xác định, Thu Hằng là chuyên viên tuyển dụng nhân sự nước ngoài còn Ngọc Hằng là chuyên viên tuyển dụng nhân sự người Việt Nam. Cả hai cũng được giao nhiệm vụ lập danh sách đề nghị chi thưởng theo chính sách thưởng cho nhân viên công ty. Theo đó, nếu giới thiệu nhân sự vào làm việc sẽ được thưởng từ 3-15 triệu đồng tùy từng vị trí ứng viên trúng tuyển.
Quy trình lập danh sách chi trả thưởng là Ngọc Hằng lập danh sách gồm thông tin người giới thiệu, người được giới thiệu, vị trí công việc được tuyển dụng, số tiền được trả thường. Sau đó, Ngọc Hằng gửi email cho giám đốc nhân sự duyệt rồi chuyển tiếp cho Tổng giám đốc phê duyệt. Ngọc Hằng chuyển tiếp cho bộ phận kế toán để tiến hành chi trả thưởng.
Khoảng giữa năm 2019, Ngọc Hằng phát hiện có sự nơi lỏng trong quá trình phê duyệt danh sách nên nảy sinh ý định gian dối. Ngọc Hằng trao đổi với Thu Hằng và đề nghị cung cấp thông tin của những người thân, quen để đưa vào danh sách chi thưởng. Khi danh sách được duyệt, họ sẽ liên hệ lại với người thân, người quen là do phòng nhân sự làm nhầm lương và yêu cầu chuyển lại tiền về tài khoản của mình.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 7/2019 đến tháng 10/2020, Ngọc Hằng và Thu Hằng đã lập khống danh sách chi thưởng với 22 người trong 4 đợt chi thưởng để chiếm đoạt hơn 770 triệu đồng.
Công ty V. xác định, 22 trường hợp được trả thưởng không thuộc diện theo chính sách chi trả cho công ty.
Quá trình điều tra, Ngọc Hằng khai nhận có đưa lại cho Thu Hằng tiền mặt nhưng không xác định là bao nhiêu, không có tài liệu gì chứng minh. Còn Thu Hằng không thừa nhận bàn bạc với Ngọc Hằng về việc nhận tiền trả thưởng của công ty, không được ăn chia hay hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt. Hiện Ngọc Hằng đã khắc phục 100 triệu đồng cho công ty.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tiếp nhận đơn tố giác của một số cá nhân về việc Thu Hằng nhận tiền để xin cho họ vào làm việc tại Công ty V. Tuy nhiên không có tài liệu chứng minh việc giao nhận tiền hay thỏa thuận nên công an không có căn cứ xem xét.
Với hành vi trên, tòa án xử phạt Ngọc Hằng 7 năm, Thu Hằng 3 năm tù về tội danh trên.
Chiêu thức chiếm đoạt lô hàng
Trước đó, ngày 23/6, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Ngô Mạnh Hưng (SN 1995, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) mức án 7 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần E. chuyên kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Công ty đặt kho hàng tại các địa phương để bảo quản, lưu trữ hàng hóa và trung chuyển sản phẩm theo các hợp đồng cung cấp dịch vụ với đối tác, trong đó có kho hàng chi nhánh thôn Văn ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 2019, công ty thuê Hưng làm nhân viên kho. Đến năm 2021, Hưng được bổ nhiệm làm quyền quản lý kho hàng chi nhánh thôn Văn, có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp các hoạt động nhập hàng, đóng gói, xuất hàng. Đồng thời quản lý các nhân sự; chịu trách nhiệm về các biện pháp an ninh thích hợp cho sự an toàn của hàng hóa trong kho…
Năm 2020, Công ty E. có ký hợp đồng để lưu kho và vận chuyển hàng hóa cho một đối tác.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 2/2022, công ty kiểm kê định kỳ tài sản lưu kho thì phát hiện thất thoát 83 tài sản gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh. Khi bộ phận an ninh xuống kho làm việc thì Hưng thừa nhận đã chiếm đoạt các tài sản trên. Kết luận định giá tài sản thể hiện số tài sản trên có giá trị hơn 1,94 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Hưng khai nhận, trước khi lấy hàng ra kho, bị cáo xác định số lượng hàng và thông tin hàng hóa sẽ lấy thông qua thông tin quản lý trên hệ thống theo dõi nội bộ của công ty. Sau đó, Hưng lên mạng internet để liên hệ, trao đổi với người mua hàng để thống nhất số lượng, giá tiền, địa điểm giao dịch... Tuy nhiên, Hưng không nhớ các trang web mua bán, thông tin người mua và thời gian liên hệ.
Vì được tự do vào kho hàng nên trong các ngày 21-29/12/2021, Hưng đã 3 lần vào kho để lấy hàng. Hưng khai phải lấy hết hàng có trong 1 ô kệ để khi nhân viên kiểm hàng sẽ không còn hàng hóa để quét mã. Từ đó sẽ không phát hiện việc mất hàng.
Sau đó, Hưng đóng hàng vào thùng catton, dán kín, mang ra khỏi kho. Tại cửa có nhân viên kiểm tra việc ra, vào nhưng vì Hưng là quản lý nên không bị kiểm soát. Bị cáo cũng thường chọn thời điểm nhân viên kiểm tra bận rộn để thực hiện hành vi phạm tội.
Hưng khai bán số hàng trên thu lời hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo sử dụng chi tiêu cá nhân. Đến nay bị cáo đã khắc phục hậu quả cho công ty.
Qua các vụ án, cơ quan tố tụng cũng thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp phải thiết lập quy trình quản lý kho, bãi chặt chẽ; quy trình làm việc, phân cấp, phân quyền nhằm tránh thất thoát tài sản.