Những gì người sếp phải làm là thể hiện kiên nhẫn và cung cấp cho nhân viên cơ hội để hòa nhập với đồng nghiệp. Ảnh: BBC.
Khi Kate bắt đầu làm nhân viên bán hàng, cô quyết định nói với sếp cô đang điều trị chứng trầm cảm. Tuy nhiên, cô đã rất ngạc nhiên khi nghe sếp nói: "Không thể lấy chứng trầm cảm làm cái cớ để biện minh cho hiệu suất làm việc kém".
“Sếp của tôi thậm chí còn nói xấu sau lưng tôi và nói với các đồng nghiệp khác tôi có thể gặp sự cố. Lẽ ra, tôi sẽ trút sự thất vọng vào khách hàng, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra", Kate nói.
Thiếu sự quan tâm tới đời sống tinh thần
Chia sẻ với tờ Post, Kate cho biết cô trở nên buồn bã và thu mình ở tuổi thiếu niên sau khi bị các bạn cùng lớp bắt nạt và vật lộn với áp lực học tập. Cô không thể mô tả những gì mình cảm thấy với gia đình. Cô đã gặp bác sĩ tâm lý tại một bệnh viện công và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Nhưng điều đó không giúp ích gì.
“Họ chỉ hỏi tôi uống thuốc đúng giờ hay không. Họ không tập trung vào những gì tôi đang trải qua hay quan tâm đến cảm xúc của tôi", Kate chia sẻ.
Cô bình phục sau khi gặp bác sĩ tâm thần trong hai năm và không còn dùng thuốc nữa. Nhưng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn tiếp tục gặp khó khăn với môi trường làm việc ở Hong Kong (Trung Quốc).
Kate - 24 tuổi, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ - cho biết: “Một số đồng nghiệp làm lâu năm cảm thấy những người trẻ mắc chứng rối loạn tâm trạng rất yếu ớt".
Bác sĩ tâm thần Michael Wong Ming Cheuk, Chủ tịch Hiệp hội Phục hồi Tâm lý Xã hội Hong Kong, cho hay nỗi sợ hãi phải đối mặt với định kiến đã ngăn những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiết lộ tình trạng của họ với sếp hoặc đồng nghiệp.
Khoảng 90% những người được hỏi bị rối loạn tâm trạng cho biết khả năng làm việc của họ bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị đối với bệnh tâm thần. Ảnh: CGTN.
Sự phân biệt nơi công sở ảnh hưởng đến hiệu suất công việc
Trong một cuộc khảo sát mà Michael Wong Ming Cheuk thực hiện với Hiệp hội Bệnh thần kinh châu Á, cứ 10 người có 9 người bị rối loạn tâm trạng. Họ cho biết khả năng làm việc bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị tại nơi làm việc.
Bảy trên 10 người cho biết đồng nghiệp bày tỏ nghi ngờ về khả năng làm việc của họ. Hơn một nửa thừa nhận họ phải đối mặt với sự từ chối, sa thải, cách chức, cắt lương hoặc không được thăng chức vì bệnh tâm thần.
Wong nói: "Khoảng 60% bệnh nhân không muốn nói về chủ đề bệnh tâm thần của họ và lo lắng về định kiến. Mọi người có thể nghĩ họ không ổn định, sẽ cư xử bất thường tại nơi làm việc hoặc thường xuyên nghỉ phép".
Trong số 340 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến vào tháng trước, 174 người là thành viên của công chúng, 106 người là bác sĩ và 60 người là người mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Hầu hết bác sĩ trong cuộc khảo sát đều đồng ý sự thiên vị nơi làm việc sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, khiến bệnh nhân thu mình lại với xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và khiến các triệu chứng của họ xấu đi.
Sự kỳ thị có thể ảnh hưởng đến nguyên nhân gây bệnh và bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn. Ảnh: SCMP.
Theo nghiên cứu của Đại học Trung Quốc, một phần năm người Hong Kong bị rối loạn tâm trạng, bao gồm trầm cảm và lo lắng.
Wong kêu gọi công chúng tìm hiểu thêm về sức khỏe tâm thần và xóa tan những hiểu lầm về chứng rối loạn tâm trạng. Ông nói: "Chúng tôi muốn nâng cao hiểu biết của công chúng và người sử dụng lao động về bệnh tâm thần, đồng thời giúp họ cảm thấy an toàn khi làm việc với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần".
Wong cho biết rối loạn tâm trạng có thể được điều trị bằng liệu pháp và thuốc. Ông giải thích nhiều chương trình, bao gồm cả liệu pháp giữa các cá nhân, để giúp người sử dụng lao động làm việc tốt hơn với nhân viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ngày 10/10 được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới chỉ định là Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới từ năm 1992. Sự kiện này được tạo ra nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu và tập hợp sự hỗ trợ cho những người sống chung với bệnh tâm thần. Đây cũng là ngày để các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học chia sẻ những hiểu biết của họ về sức khỏe tâm thần.
Wong nói: "Người mắc chứng rối loạn tâm trạng là một người bình thường, có khả năng làm việc như bất kỳ ai khác. Những gì người sếp phải làm là thể hiện một chút kiên nhẫn, cho họ cơ hội để hòa nhập với nhân viên khác".
Về kết quả nghiên cứu, Joseph Siu Chu Shek, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Tâm lý Lâm sàng Hong Kong, cho biết cần phải làm sáng tỏ hơn về sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần ở Hong Kong.
Ông nói: “Bệnh nhân tâm thần là một cộng đồng thiếu thốn ở Hong Kong. Vì sự kỳ thị văn hóa, họ rất khó tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào, điều này có thể làm chậm quá trình hồi phục của họ".
Ông Siu cũng nhấn mạnh để cải thiện sự thiếu hiểu biết hiện nay về các rối loạn tâm trạng, cần phải có các chính sách giáo dục đầy đủ và các nỗ lực của phương tiện truyền thông để xóa bỏ những hình ảnh tiêu cực về bệnh nhân tâm thần.