Theo Harvard Business Review, không ít công ty lựa chọn xây dựng mô hình hoạt động kiểu "gia đình" để tạo ra các giá trị như tôn trọng, cảm thông, gắn bó, tận tụy giữa cấp trên và cấp dưới.
Với mô hình này, nhà quản lý đóng vai trò "trụ cột gia đình", nắm quyền quyết định và có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên khác. Ngược lại, nhân viên cần phải tích cực thể hiện năng lực, có mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp và sếp.
Các công ty này thường ưu ái nhân viên lớn tuổi, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp; hoạt động dựa trên lòng trung thành và truyền thống, có tính khép kín cao.
Những đặc điểm này có thể khiến môi trường làm việc trở nên độc hại. Ví dụ, nhà quản lý phân biệt đối xử nhân viên dựa trên thời gian công tác, đánh giá công việc theo cảm tính, tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" hay hạn chế sức sáng tạo và tính cá nhân.
"Với một doanh nghiệp theo đuổi văn hóa 'gia đình', nhân viên có thể bị áp lực bởi luôn phải chứng minh lòng trung thành, phân công nhiệm vụ không rạch ròi, vất vả tìm cách xây dựng và duy trì mối quan hệ mật thiết với những người xung quanh...
Công sở vẫn là công sở. Vì thế, người lao động cần phân biệt rạch ròi trách nhiệm và nhiệm vụ khi làm việc trong môi trường này", Tessa West, giáo sư tâm lý học từ ĐH New York (Mỹ) kiêm tác giả cuốn Jerks at Work: Toxic Coworkers and What to Do About Them, nói.
Vạch rõ giới hạn
Do có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ từ cấp trên xuống cấp dưới, các công ty mang hơi hướm "gia đình" thường nảy sinh nhiều vấn đề, dù nhỏ hay lớn.
Vì thế ngay từ những ngày đầu tiên, bạn nên đặt ra giới hạn cụ thể cho mình nhằm tránh xung đột lợi ích hay bị kéo vào những mâu thuẫn không đáng có. Bạn cần có ý thức duy trì những quy tắc cá nhân này thường xuyên và khéo léo.
Ví dụ nếu đồng nghiệp nhờ san sẻ công việc, bạn có thể nhận lời hỗ trợ song khéo léo nhắn nhủ đây chỉ là một ngoại lệ, không thuộc trách nhiệm của bạn để tránh sự hiểu lầm, mâu thuẫn về sau.
Ngoài ra, nếu cấp trên hay đồng nghiệp có hành động vượt quá giới hạn, bạn phải tỏ rõ thái độ, tránh bị cuốn vào tranh cãi hoặc truy cứu trách nhiệm không đáng có.
Chắt lọc mối quan hệ
Với những công ty có văn hóa gia đình, nhân viên cần có cái nhìn thực tế, rõ ràng, sàng lọc khi xây dựng các mối quan hệ nơi công sở.
Giống như một gia đình, giữa đồng nghiệp và cấp trên cũng có thể nảy sinh sự bất đồng. Thay vì nghiêng về một phía, bạn nên tránh tham dự vào các mâu thuẫn như vậy nhằm duy trì sự chuyên nghiệp và tập trung trong công việc.
Bên cạnh đó, bạn nên tìm kiếm những mối quan hệ chất lượng, tích cực trong môi trường công sở. Một nhà quản lý, đồng nghiệp có chuyên môn, kinh nghiệm, luôn cởi mở chia sẻ, thẳng thắn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy bạn trong công việc.
Tuy nhiên, những nhân viên có thể trải qua cảm giác "bị bỏ rơi, lạc lõng" khi bước vào các công ty có văn hóa doanh nghiệp kiểu gia đình.
Trong tình huống này, một số chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự khuyên rằng việc chủ động tham gia các hoạt động tập thể, kết nối với những đồng nghiệp khác để mở rộng mối quan hệ.
Phản ứng khi tình huống trở nên độc hại
Mặc dù làm việc trong những môi trường có tính thử thách cao có thể đem lại cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nhân viên cần nhìn nhận rõ về tính chất công việc và có hành động khi môi trường làm việc trở nên độc hại.
Khi bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc, không được công nhận năng lực hoặc dồn ép công việc, bạn có thể tìm lời khuyên từ những đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc trực tiếp đề cập với cấp trên.
Những cuộc trò chuyện này cần được thực hiện ngay khi nảy sinh mâu thuẫn và diễn ra một cách thẳng thắn, cởi mở để tìm ra hướng giải quyết.
Trường hợp xấu nhất, nếu những ranh giới bạn đặt ra không được tôn trọng, các nỗ lực chia sẻ và đóng góp không được lắng nghe dẫn tới hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần, bạn có thể cân nhắc tìm một môi trường, công việc khác phù hợp hơn.