Nhân sự ngày nay không còn hứng thú với văn phòng và khung giờ làm việc truyền thống. Họ cho đó là mô hình gây gò bó về không gian và thời gian, khiến mình thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng.
Để thu hút nhân viên, nhiều doanh nghiệp buộc mình thay đổi, tập trung xây dựng môi trường khiến nhân sự cảm thấy thoải mái, tăng hiệu suất.
Zing trò chuyện cùng 5 bạn trẻ làm việc trong những lĩnh vực khác nhau để lắng nghe kỳ vọng của mỗi người về nơi làm việc thu hút, lý tưởng.
Sợ công sở kiểu cũ
Vương Hà (23 tuổi, nhân viên marketing): Tôi chủ yếu làm kiểu hybrid, phân chia giữa lên văn phòng và làm việc tại nhà. Tôi sợ cảm giác văn phòng ngột ngạt vì các vách kính cao kín mít, không kết nối với những bộ phận xung quanh. Nghĩ đến không khí im lặng, chỉ nghe tiếng bàn phím và máy in, tôi thêm căng thẳng.
Đăng Quân (23 tuổi, biên kịch): Nhà tôi cách công ty khoảng 10 km. Giai đoạn giá xăng tăng cao, thời tiết nắng nóng, tôi ngại ra đường và đến công sở. Làm việc ở nhà giúp tôi tiết kiệm được một khoản lớn mỗi tháng cho xăng xe và chi phí ăn uống. Ngoài ra, môi trường văn phòng kín mít không kích thích tôi sáng tạo.
Nhật Huyền (22 tuổi, nhân viên kiểm toán): Công sở kiểu cũ trong đầu tôi luôn là cảnh bị sếp và đồng nghiệp soi mói. Công việc của tôi khá cạnh tranh, môi trường đó càng khiến nhân viên mệt mỏi. Đôi khi, tôi chỉ muốn làm ở nhà, miễn là vẫn hoàn thành công việc đúng tiến độ, chất lượng.
Ngọc Lan (21 tuổi, nhân viên thiết kế): Tôi làm việc tại một doanh nghiệp khởi nghiệp, mô hình nhỏ, không gian làm việc chật hẹp. Công ty của tôi cũng không có trợ cấp ăn trưa, ít chế độ đãi ngộ hay chương trình văn hóa nội bộ dành cho nhân viên. Nhìn đồng nghiệp ở các nơi khác có nhân sự tổ chức hoạt động, vui chơi, đôi khi tôi khá ghen ty và chạnh lòng.
Trần Anh (23 tuổi, chuyên viên media): Công ty tôi ít có hoạt động giải trí ngoài giờ, mọi người chỉ làm, họp rồi ra về khiến không khí rất tẻ nhạt, áp lực. Nhiều khi, tôi muốn dành 10-15 phút giải lao, chơi game hay tán gẫu với đồng nghiệp nhưng không có không gian riêng biệt. Công ty của một số bạn bè tôi còn có phòng chơi game, tập gym hoặc pantry riêng tiện lợi.
Kỳ vọng thay đổi
Vương Hà: Công ty tôi vừa mở một khu pantry và phòng nghỉ ngơi dành cho nhân viên. Điều này làm tôi hứng thú, thường rủ đồng nghiệp đến văn phòng nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn có thêm không gian làm việc mở để mọi người có thể ngồi làm việc cùng nhau, hoặc ít nhất nhìn thấy nhau.
Đăng Quân: Nếu đi làm tại văn phòng thường xuyên, tôi mong muốn công ty hỗ trợ một khoản tiền xăng xe, đi lại hàng tháng. Trong tình hình lạm phát, giá xăng dầu bất ổn, khoản tiền này thể hiện sự quan tâm của tổ chức đến đời sống nhân viên.
Ngoài ra, một không gian nhiều cây xanh, có hồ cá, mở nhạc nhỏ cũng là mong ước của những người làm sáng tạo như tôi.
Nhật Huyền: Bộ phận của tôi có khối lượng công việc nhiều mà nhân sự lại quá ít. Tôi từng rơi vào tình huống mâu thuẫn với đồng nghiệp do phân công công việc không đồng đều.
Nếu mong muốn nhân viên đến văn phòng nhiều hơn, tôi nghĩ công ty cần nới quota tuyển dụng người, sắp xếp lại nhiệm vụ để nhân viên chúng tôi không bị quá sức và khó chịu với nhau.
Ngọc Lan: Tôi mong muốn có thời gian nghỉ trưa dài hơn. Hiện tại, chúng tôi chỉ có khoảng một tiếng nghỉ ngơi. Tôi mong được phép ngủ khoảng 2 tiếng để có thể tỉnh táo làm việc tiếp vào buổi chiều.
Trần Anh: Tôi mong muốn công ty có hệ thống bàn, ghế chất lượng, đảm bảo cho nhân viên thoải mái làm việc 8 tiếng mà không gặp vấn đề đau mỏi.
Đồng thời, tôi cũng mong muốn công ty có bộ phận truyền thông nội bộ giúp kết nối mọi người, tạo không khí hòa đồng, vui vẻ.
Công ty cần hỗ trợ nhân sự
Đại dịch càng khiến cho số lượng lớn nhân sự không còn thích thú và muốn quay trở lại văn phòng. Điều này trở thành thách thức lớn đối với nhà tuyển dụng, những người vốn cho rằng công sở mới thực sự là nơi mang lại hiệu quả công việc tốt nhất, theo Forbes.
Tháng 4 vừa qua, nền tảng địa điểm làm việc Envoy tiến hành khảo sát 800 công ty để tìm hiểu cách thức mà họ thu hút nhân viên đến với văn phòng.
Kết quả cho thấy:
- 88% công ty tăng thêm chế độ đãi ngộ đối với nhân viên làm việc trực tiếp
- 77% cho phép áp dụng mô hình làm việc kết hợp văn phòng - nhà riêng
- 61% thiết kế và bố trí lại không gian công sở
- Và 5% không có chính sách hoặc thay đổi gì.
Trong khi đó, chuyên gia từ công ty dịch vụ bất động sản Savills cho rằng thay đổi không gian văn phòng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhân viên đến công sở.
Bà Yetta Reardon Smith, Giám đốc Savills Vương quốc Anh, đưa ra một số ý tưởng thay đổi không gian làm việc:
- Thiết kế phòng với nhiều màu sắc
- Sử dụng đèn LED để cải thiện ánh sáng và tiết kiệm chi phí
- Tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên
- Loại bỏ đồ đạc thừa thãi như giấy tờ, hồ sơ không cần thiết
- Tổ chức các hoạt động sáng tạo nghệ thuật
- Trồng cây và không gian xanh cho nơi làm việc
- Bổ sung thêm thực phẩm như các loại sữa, ngũ cốc và trái cây
- Cải thiện âm thanh nơi làm việc bằng các vật liệu cách âm
- Cân nhắc đưa vào một số tiện ích như khu bếp, phòng nghỉ ngơi để nhân viên cảm thấy như làm việc tại nhà.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, công ty cũng nên có sự quan tâm nhiều hơn đến ý kiến của nhân sự. Họ cần tham khảo các nhu cầu của nhân viên, căn cứ vào đó để xây dựng môi trường làm việc thú vị hơn cho người lao động.