Trong bài phân tích của mình cho CNA, tiến sĩ tâm lý học Elizabeth Nair đánh giá tháng 1 năm nay là thời điểm khủng hoảng đối với những người làm trong ngành công nghệ, với số lượng công việc bị cắt giảm nhanh chóng.
Chỉ riêng trong tháng vừa qua, đã có gần 60.000 nhân viên công nghệ bị sa thải, theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm trong ngành.
Hôm 23/1, Spotify tham gia vào cuộc “tàn sát” khi thông báo rằng sẽ sa thải 6% nhân sự của mình.
Chắc chắn sẽ có nhiều đợt sa thải hơn, do ngành công nghệ đã tuyển dụng tràn lan trong thời kỳ đại dịch, với dự đoán về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Một nhà phân tích công nghệ hàng đầu đã cảnh báo rằng 15% - 20% nhân viên thuộc các công ty công nghệ lớn khác có thể không có việc làm trong 6 tháng tới.
Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, nói với CNBC vào ngày 23/1: “Cuối cùng, nó (làn sóng sa thải) đã quay trở lại, đơn giản là các công ty này đã bổ sung quá nhiều người trong thời gian quá ngắn”.
Trong khi phần lớn sự tập trung dồn vào những người bị mất việc làm - với gần 160.000 nhân viên công nghệ trên toàn cầu vào năm 2022 - thì những người sống sót sau đợt cắt giảm dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Người thoát khỏi đợt cắt giảm có những cảm xúc mâu thuẫn khi nhìn thấy đồng nghiệp của họ, có người đã làm việc lâu năm và xây dựng mối quan hệ thân thiết, ra đi.
Cảm giác tội lỗi của người ở lại
"Cảm giác tội lỗi của người sống sót" là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong thời chiến tranh, chẳng hạn như được báo cáo về các cựu chiến binh và người sống sót sau thảm họa Holocaust.
Nó là một cảm xúc đạo đức được đặc trưng bởi sự tự đánh giá tiêu cực và là một trải nghiệm phổ biến sau sang chấn.
Cảm giác tội lỗi thường phát sinh ở những người đã tiếp xúc hoặc chứng kiến cái chết của người xung quanh trong khi bản thân vẫn còn sống, dẫn đến sự đau khổ và tự đánh giá bản thân tiêu cực.
Thông thường, những người sống sót cảm thấy phải chịu trách nhiệm về cái chết hoặc thương tích của người khác, ngay cả khi họ không có quyền lực hoặc ảnh hưởng thực sự trong tình huống đó.
Sự xấu hổ cũng tồn tại cùng với cảm giác tội lỗi ở những người ở lại, khi cảm thấy những người đã chết xứng đáng được sống hơn.
Hội chứng người sống sót cũng được thấy trong các vụ tai nạn, thảm họa và sự cố bi thảm.
Sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, những đứa trẻ thoát chết trong gang tấc thể hiện cảm giác tội lỗi của người sống sót vì đã bỏ lại những con vật cưng mà chúng chăm sóc (gà, thỏ, chuột lang) trong trận sóng thần. Chúng bắt đầu cho những con cá sống sót ăn quá nhiều, dẫn đến cái chết của một số con cá.
Sự cố chen lấn trong lễ hội Halloween ở Itaewon (Hàn Quốc) vào ngày 29/10/2022 đã dẫn đến cái chết của 156 người. Những người ngoài cuộc chưa qua đào tạo đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân cho biết họ cảm thấy bị tổn thương tâm lý sau đó.
Hợp đồng tâm lý tại nơi làm việc
Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và những biến động liên quan đến công nghệ và trí tuệ nhân tạo gần đây, ngày càng có nhiều biện pháp hà khắc được áp dụng trên toàn cầu trong việc tái cơ cấu tổ chức, tái triển khai và sa thải nhân viên.
Có thể hiểu được, nhân viên đã trải qua cảm giác mất an toàn trong công việc và trong nhiều trường hợp tin rằng “hợp đồng tâm lý” tại nơi làm việc cũng đã bị vi phạm.
Các công ty công nghệ đã sa thải 1.270 công nhân cư trú tại Singapore từ tháng 7 đến giữa tháng 11/2022. Con số này cao gần gấp 5 lần so với 260 công dân Singapore bị sa thải trong nửa đầu năm 2022.
Vào tháng 11 cùng năm, nhân viên của Twitter tại Singapore nói với CNA rằng việc sa thải của họ được thực hiện với “sự đồng cảm bằng 0”. Những người còn lại trong biên chế được cho là đang trải qua cảm xúc "tội lỗi của người sống sót".
Ngày 9/12 năm ngoái, Amber Group, công ty tiền điện tử được Temasek hậu thuẫn, cho biết họ đã "thực hiện các điều chỉnh linh hoạt" về số lượng nhân viên của mình tại khắp các văn phòng toàn cầu mà không cung cấp con số cụ thể.
Bloomberg đưa tin công ty này sẽ cắt giảm lực lượng lao động từ 700 người hiện tại xuống còn dưới 400 người. Vài ngày trước đó, khi có tin đồn lan truyền, tập đoàn có trụ sở tại Singapore tuyên bố trong một số dòng tweet rằng đó là “công việc kinh doanh như bình thường”.
Vào ngày 23/1 năm nay, vài ngày sau khi Microsoft công bố kế hoạch sa thải 10.000 công nhân như một phần của các biện pháp cắt giảm chi phí, họ đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 10 tỷ đô la Mỹ vào OpenAI, công ty đứng sau công cụ chatbot ChatGPT.
“Hợp đồng tâm lý tại nơi làm việc” là những quy tắc bất thành văn và không rõ ràng dựa trên những kỳ vọng về hành vi mà người sử dụng lao động và người lao động nắm giữ lẫn nhau. Đây không phải là trạng thái tĩnh và với việc nơi làm việc linh hoạt đang dần trở thành tiêu chuẩn, các chi tiết cụ thể về kỳ vọng đối với hành vi tại nơi làm việc của người quản lý và nhân viên cũng ở trạng thái thay đổi liên tục.
Tuy nhiên, những kỳ vọng cơ bản nhất định có thể vẫn còn trong hợp đồng tâm lý tại nơi làm việc. Điều này sẽ xoay quanh cảm giác công bằng hoặc cân bằng trong mối quan hệ, liên quan đến tính minh bạch và được đối xử tôn trọng.
Cảm xúc được thể hiện bởi nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động tại Twitter vào tháng 11 có thể cũng xuất phát từ cảm giác vi phạm hợp đồng tâm lý tại nơi làm việc, nơi họ tin rằng họ đã hoàn thành phần việc của mình còn chủ cũ của họ thì không.
Cùng vượt qua khó khăn
Sự không chắc chắn trong một cuộc khủng hoảng thường dẫn đến hiệu suất kém do cảm giác lo lắng.
Một kết quả tích cực của những điều không chắc chắn liên quan đến Covid-19 là nó làm nổi bật những điểm tương đồng về khả năng dễ bị tổn thương đối với đại dịch giữa các nhân viên và do đó giúp nâng cao nhận dạng tổ chức họ làm việc.
Một ví dụ tích cực trong bối cảnh tại Singapore là Singapore Airlines, hãng đã tiến hành cắt giảm mạnh nhân viên và triển khai lại từ tháng 9/2020.
Khi du lịch hàng không quốc tế tăng dần, các nhân viên được bố trí lại và những người nghỉ không lương đã quay trở lại. Hiểu được những yêu cầu cấp thiết của thách thức kinh doanh, và có lẽ giao tiếp nội bộ tốt, cùng ý thức về sự công bằng của công ty và ra quyết định đúng đắn, có thể đã nâng cao nhận dạng tổ chức của nhân viên.
Trong bối cảnh nơi làm việc có nhiều thay đổi và nguy cơ mất việc sắp xảy ra, việc tăng cường lắng nghe tích cực có thể tạo hiệu ứng gợn sóng trong nhận thức về quyền kiểm soát của nhân viên và giảm cảm giác bất an trong công việc của họ.
Lắng nghe có thể là một kỹ năng quan trọng hơn giao tiếp hoặc thuyết trình. Các tổ chức có thể làm tốt việc đào tạo nhà quản lý trong những tình huống này để trở thành những người lắng nghe tốt hơn, từ đó làm giảm tác động bất lợi của sự thay đổi tổ chức.
Khi việc sa thải hàng loạt đã khiến nhân viên nhận thức được việc vi phạm hợp đồng tâm lý về sự tin tưởng và ổn định, thì các bước mà người sử dụng lao động thực hiện đối với “nhân viên còn sống sót” có thể bao gồm tính minh bạch và rõ ràng, đồng thời đặt ra những kỳ vọng rõ ràng trong tương lai.