Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 260,8 tỷ USD, giảm 15,3% tương ứng giảm 47,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,9 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,3 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong vòng gần 20 năm qua, nhập khẩu hàng hóa thường có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Như 5 tháng đầu năm 2022 tăng 21 tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt, đỉnh điểm là trong 5 tháng đầu năm 2021 đã tăng tới hơn 36 tỷ USD so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng ghi nhận nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm đã giảm rất mạnh tới 28,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, cao hơn cả so với con số giảm hơn 14 tỷ USD của 5 tháng đầu năm 2009 - năm suy thoái kinh tế mạnh trên toàn thế giới.
Xét theo khối doanh nghiệp, trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên 98,9 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 13,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trong khi đó, nhập khẩu khối doanh nghiệp FDI đạt 81,7 tỷ USD, giảm 18,3% tương ứng giảm 18,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong 5 tháng lên mức thặng dư là 17,2 tỷ USD.
Về nhóm hàng, trong 5 tháng qua, có tới 9 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, nhóm hàng máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 7 tỷ USD; hàng dệt may giảm 2,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 tỷ USD; giày dép các loại giảm 1,4 tỷ USD; hàng thủy sản giảm 1,3 tỷ USD...
Đáng chú ý, có tới 8 nhóm hàng nhập khẩu có mức giảm trên 1 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,9 tỷ USD; sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,4 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 1,7 tỷ USD; vải các loại giảm 1,3 tỷ USD...
Về thị trường, Trung Quốc, Hàn Quốc và khu vực ASEAN là 3 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và cũng có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là 41,2 tỷ USD, giảm 8,8 tỷ USD; từ Hàn Quốc là 20,1 tỷ USD, giảm tới 7,7 tỷ USD và nhập khẩu từ ASEAN là 16,7 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.