Quỳnh Hân dường như đã quen với những cuộc gọi công việc triền miên trong ngày nghỉ phép. Là trưởng nhóm thiết kế đồ họa của một doanh nghiệp, cô phải sát sao mọi khâu nhằm tránh tình trạng phải sửa file nhiều lần.
Hồi tháng 3, sau khi mổ ruột thừa vào buổi sáng, cô nhờ ba mẹ mang máy tính cá nhân vào viện ngay chiều cùng ngày để đôn đốc nhóm hoàn thành kịp tiến độ công việc.
Quỳnh Hân thừa nhận đôi khi, cô quên mất mình cần nghỉ ngơi. Suốt 3 năm làm việc tại công ty, cô chỉ dám xin nghỉ 2 lần để du lịch cùng gia đình. Song, chuyến đi cũng không thực sự vui vẻ khi cô liên tục phải làm việc.
"Ở những chuyến đi đó, ba mẹ tôi phải tự đi chơi với nhau hoặc chờ tôi hoàn thành công việc", cô kể lại với Zing.
Nghỉ như không nghỉ
PTO (Paid Time Off), tức nghỉ phép có lương, là quyền của người lao động và trách nhiệm của phía sử dụng lao động. Trong thời gian này, nhân viên được nghỉ nhưng hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ cho biết họ liên tục phải trả lời tin nhắn, cuộc gọi hối thúc công việc.
Đa số không dám phản ứng gay gắt, thay vào đó là cố gắng sắp xếp lịch trình để hoàn thành yêu cầu. Dần dần, họ kiệt sức khi rơi vào vòng lặp của sự mất cân bằng công việc và đời sống cá nhân.
Như Mỹ Linh (28 tuổi, TP.HCM), dù xin nghỉ phép để tổ chức hôn lễ, cô vẫn không "trốn" được công việc mà sếp đề ra.
Trong khi người thân và bạn bè thân thiết lần lượt tới chúc phúc, cũng như phụ giúp gia đình chuẩn bị cho hôn lễ ngày hôm sau, cô dâu này vẫn miệt mài bên chiếc laptop.
Mỹ Linh là nhân viên thuộc bộ phận xuất nhập khẩu của một công ty logistics. Mỗi cuối tháng, cô phụ trách việc kiểm tra dữ liệu và đóng hệ thống.
Khi biết đám cưới của mình sẽ diễn ra vào ngày 30/4, trùng với ngày đóng hệ thống, cô thông báo với sếp và làm đơn xin nghỉ phép từ đầu tháng, đồng thời bàn giao công việc cho đồng nghiệp.
Vì thu xếp chu đáo từ sớm, Mỹ Linh nghĩ rằng cô sẽ có kỳ nghỉ phép trọn vẹn để chuẩn bị ngày trọng đại của mình tại tại quê nhà.
Thế nhưng, tối 29/4, khi gia đình đang làm cỗ áp rạp, Mỹ Linh bất ngờ nhận được những tin nhắn và cuộc gọi từ sếp, yêu cầu cô phải kiểm tra và đóng hệ thống trước 21h bởi đồng nghiệp không thể hoàn thành kịp thời hạn.
“Tôi rất tủi thân. Hôm đó là ngày quan trọng với gia đình tôi. Khách khứa cứ hỏi cô dâu đâu rồi, chạy vào nhà thì thấy tôi đang ôm laptop. Bạn bè đồng trang lứa còn thông cảm và động viên, chứ ba mẹ và người lớn trách móc tôi, kêu tới lúc này còn không lo tiếp khách, để họ phải chờ ngoài sân”, cô kể lại.
Tương tự, Nhật Ánh (24 tuổi, TP.HCM) gần như không có kỳ nghỉ phép nào trọn vẹn trong thời gian làm việc ở công ty cũ.
Dù đã chủ động sắp xếp công việc và xin nghỉ trước nhiều tuần, tiếng chuông điện thoại của đồng nghiệp vẫn liên tục đeo bám, khiến cô cảm thấy như bị tra tấn tinh thần.
“Đa số đồng nghiệp sẽ tôn trọng thời gian riêng tư của nhau, nhưng đôi khi vẫn có trường hợp làm phiền đến cùng. Vì muốn giữ hòa khí, tôi vẫn nhấc máy và từ chối một cách khéo léo, nhẹ nhàng, hẹn xử lý công việc sau kỳ nghỉ. Tôi từng nghĩ hay cứ kệ cho điện thoại rung chuông, song đó không phải chuyện đơn giản”, cô thở dài.
Khó lòng thỏa hiệp
Sau nhiều lần bị réo gọi, Nhật Ánh bắt đầu ngại xin nghỉ phép. Cô cảm thấy áy náy, sợ đồng nghiệp phải quán xuyến các đầu việc thay mình.
Những chuyến du lịch, nghỉ ngơi ngày càng thưa thớt, còn tinh thần của Nhật Ánh cũng trở nên nặng nề hơn khi không tìm được cách khác cân bằng công việc và cuộc sống riêng. Khi vượt ngưỡng chịu đựng, cô quyết định nộp đơn xin thôi việc.
"Tôi chấp nhận nghỉ việc để cứu lấy sức khỏe tinh thần của mình và cả thời gian riêng dành cho cá nhân. Tôi cảm thấy không còn cách nào khác", cô chia sẻ.
Trong khi đó, Quỳnh Hân chọn cách đình công 3 ngày và xóa hết các ứng dụng liên lạc vì cảm thấy cường độ làm việc quá sức chịu đựng.
Cuối cùng, Quỳnh Hân đồng ý trở lại với điều kiện cấp trên phải tạo điều kiện cho cô và cả nhóm thiết kế được nghỉ ngơi. Cụ thể, nhóm được "trả tự do" và không bị làm phiền vào 2 ngày cuối tuần nếu đã hoàn tất các deadline trước đó.
“Thú thật, tôi vẫn mong có thêm thời gian rảnh để chăm sóc gia đình và bản thân. Có lẽ, tôi cần nghiêm túc tìm hướng giải quyết chuyện này triệt để”, cô nói.
Giành quyền nghỉ ngơi
Đầu năm, nền tảng đánh giá doanh nghiệp ẩn danh Glassdoor (Mỹ) đặt một câu hỏi cho 20.297 người rằng liệu họ có nghỉ ngơi thực sự trong thời gian nghỉ phép. Kết quả là 54% người tham gia đã trả lời không.
Tương tự, theo khảo sát của MyPerfectResume trên 1.012 người lao động Mỹ, 82% từng có ít nhất 1 lần phải làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ phép. 30% trong số các tình nguyện viên cho rằng đây là điều kiện đi kèm trong những chuyến đi chơi.
Bên cạnh đó, khoảng 66% thừa nhận từng bị cấp trên đốc thúc chạy deadline trong các đợt nghỉ lễ. Thậm chí, nhiều trường hợp xin nghỉ vì kiệt sức nhưng vẫn không thoát khỏi sự “tấn công” của sếp và đồng nghiệp.
Trao đổi với Zing, Nguyễn Thị Nguyệt Quang, Founder của Dịch vụ nhân sự trợ lý Em Ơi, cho rằng nhân viên có quyền từ chối làm việc trong kỳ nghỉ phép khi được yêu cầu làm nhiệm vụ mới, hoặc bị thúc giục hoàn thành công việc dù chưa đến deadline thỏa thuận trước đó.
Thậm chí, việc cắt đứt liên lạc với cấp trên trong trường hợp này là hoàn toàn có thể. Đối với doanh nghiệp càng quản lý chặt về thời gian, rất khó để yêu cầu nhân viên hy sinh ngày phép của mình cho công ty.
Tuy nhiên, trong trường hợp bàn giao chưa đầy đủ thông tin hoặc đối tượng được bàn giao không đủ điều kiện hỗ trợ, người lao động nên giữ liên lạc trong kỳ nghỉ phép, tránh tình trạng bỏ dở công việc đang đảm nhận và gây ảnh hưởng tới tiến độ chung bởi họ vẫn là người chịu trách nhiệm chính.
"Hiếm doanh nghiệp nào lại đuổi việc nhân viên chỉ vì họ không làm việc khi nghỉ phép, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động rơi vào cảnh cầu nhiều hơn cung hiện nay", cô nhận xét.
Richard Johnson, chuyên gia kinh tế của Glassdoor, cho rằng các nhà tuyển dụng khó có thể giữ chân nhân viên nếu không cho phép họ hưởng PTO một cách trọn vẹn, theo CNBC.
"Người sử dụng lao động cần phải biết khuyến khích nhân viên tận hưởng kỳ nghỉ và ngừng làm việc trong PTO. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ đánh mất nhân tài vào tay các đối thủ cạnh tranh - nơi có phúc lợi tốt hơn. Đồng thời, họ cũng nên nhận ra rằng chính sách PTO không chỉ giúp mình cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng mà còn hỗ trợ để nhân viên của mình không bị kiệt sức", ông nói.
Song song với đó, để có một kỳ nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn và không làm ảnh hưởng đến công việc chung, mỗi nhân sự nên sắp xếp công việc hợp lý, rõ ràng trước khi lên đường, theo CBS News.
Đầu tiên, hãy chuẩn bị cho kỳ nghỉ trước ít nhất 3 tuần, báo cáo với sếp từ sớm để có sự chuẩn bị, thay thế nhân sự.
Thứ hai, nới deadline tránh xa ngày nghỉ. Trước khi nghỉ, bạn nên dành thời gian xem qua các đầu việc đang đảm nhiệm. Nếu việc nào có thời hạn trước ngày nghỉ phép dự định, hãy ưu tiên hoàn thành.
Thứ ba, bàn giao, trao đổi công việc với đồng nghiệp và khách hàng. Một trong những điều thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi làm là biết sắp xếp để sự vắng mặt của mình không ảnh hưởng đến công việc chung.
Và cuối cùng, hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp khi cần thiết. Nên hiểu rằng dù muốn dù không, bạn vẫn luôn có một công việc ở nhà với nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời. Vì vậy, bạn nên cho đồng nghiệp biết cách thức liên lạc phòng khi có chuyện khẩn cấp.
Nếu sắp xếp hợp lý, có sự trao đổi với người liên quan và ưu tiên cho chất lượng chuyến đi, bạn hoàn toàn có thể có những phút nghỉ ngơi của riêng mình.