BOJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Quyết định được được đưa ra ngay cả khi lạm phát tại Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua đã ượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ lần đầu tiên sau hơn 7 năm và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, trong đó có Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.
Kể từ đầu năm tới nay, FED đã hai lần tăng lãi suất cơ bản với tổng mức tăng lên tới 1,25%, trong đó lần tăng gần đây nhất là ngày 15/6, với mức tăng lên tới 0,75%, cao nhất kể từ năm 1994.
Với quyết định trên, khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ lại tiếp tục nới rộng, điều đó khiến đồng yen lại mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Trong phiên giao dịch sáng 17/6, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đã tăng từ mức khoảng 133 yen/USD lên mức trên 134 yen/USD.
Trước đó, ngày 15/6, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc chạm mức 135,60 yen/USD, thấp nhất kể từ tháng 10/1998.
Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda nhận định: “Đồng yen yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng lại tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân. Mặc dù vậy, tác động của việc đồng yen mất giá có thể sẽ không quá tiêu cực đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bởi xuất khẩu đóng vai trò lớn trong GDP của Nhật Bản”.
Cũng trong phiên họp thường kỳ vừa qua, BOJ quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.