Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính trong 6 tháng đầu năm, số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu đối với tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới đạt 356 tỷ đồng , cao hơn cả năm 2020 và 2021. Riêng tháng 6, Tổng cục Thuế đã tiến hành truy thu thêm 136 tỷ đồng.
Phần lớn số thu từ vi phạm chống thất thu tập trung tại cơ quan quản lý thành phố lớn. Lũy kế đến tháng 5/2022, Cục Thuế Hà Nội thu 358 tỷ đồng , Cục Thuế TP.HCM thu 146 tỷ đồng và Cục Thuế Đà Nẵng thu 67 tỷ đồng .
Kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ TMĐT
Tính đến năm 2021, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo nâng lên 39 tỷ USD trong năm 2025. Tỷ trọng doanh thu TMĐT so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước cũng tăng từ 3% (năm 2016) lên 5,5% (năm 2020).
Qua quá trình quản lý, rà soát, truy thu, cơ quan thuế trên cả nước đã phát hiện nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu nhiều tỷ đồng nhưng không đóng thuế.
Đơn cử, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 38 cá nhân có thu nhập từ google với số tiền thuế truy thu, xử phạt lên tới 169 tỷ đồng . Trong đó, một cá nhân được Chi cục Thuế khu vực quận 7 - Nhà Bè kiểm tra và xử lý truy thu hơn 31 tỷ đồng .
Qua thanh tra một công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung trong nước, cơ quan thuế cũng truy thu và xử phạt 24,3 tỷ đồng .
Trước đó, vào năm 2017, Cục thuế TP.HCM từng truy thu, xử phạt 9 tỷ đồng một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm bằng hình thức livestream, nhận tiền qua các tài khoản ngân hàng và COD kiếm được 499 tỷ đồng từ năm 2013-2016.
Năm 2018, Cục cũng phát hiện cá nhân khác có doanh thu 41 tỷ đồng từ Google và truy thu 4 tỷ đồng. Trong năm 2021 và 2022, địa phương tiếp tục ghi nhận 2 cá nhân bị truy thu thuế trên 8 tỷ đồng mỗi người do có thu nhập từ chương trình quay video trên YouTube và TikTok.
Năm 2020, cơ quan quản lý thuế ghi nhận trường hợp cô gái sinh năm 1992 (hộ khẩu quận Cầu Giấy) nộp 23,4 tỷ đồng do có thu nhập khoảng 330 tỷ đồng từ việc sáng tác phần mềm trên Google Play và App Store. Một cá nhân khác tương tự cũng có thu nhập 260 tỷ và nộp thuế 18,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải mức thu nhập trong một năm của các cá nhân trên mà là thu nhập chịu thuế kể từ thời điểm phát sinh thu nhập.
Số thu thuế từ hoạt động TMĐT bình quân 1.200 tỷ đồng /năm
Tại Hà Nội, Cục Thuế thành phố cho biết hiện có 1.194 cá nhân hoạt động TMĐT nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Năm 2020, số nộp từ nhóm này vào ngân sách đạt 134 tỷ đồng và giảm nhẹ 129,3 tỷ đồng vào năm 2021. Cục thuế TP. Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 32.085 cơ sở có bán hàng online, 2.307 cơ sở cho thuê nhà, lưu trú để quản lý thuế từ năm 2021.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (gồm 41 sàn TMĐT bán hàng và 98 sàn cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập bình quân khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Từ năm 2018 đến hết ngày 14/7 số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt 1.200 tỷ đồng /năm.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ngoài công tác tuyên truyền, hỗ trợ và hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro cũng như áp dụng công nghệ mới.
Cơ quan sẽ duy trì thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt tập trung vào các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Song song, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT.