Trưa ngày 18/10, anh Văn Sơn (37 tuổi, tài xế) giật mình khi thấy cây xăng trên quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, TP.HCM treo biển hết xăng.
"Tôi rất lo lắng vì sợ việc thiếu xăng diện rộng lại tiếp diễn. Mới tuần trước, tôi đã phải xếp hàng rất vất vả suốt 2-3 ngày để mua xăng. Sau đó, mọi thứ dần ổn trở lại, các cây xăng không có cảnh người rồng rắn xếp hàng nên mới yên tâm hơn", anh nói.
Đi qua thêm một cây xăng treo biển "đang nhập hàng xin phép tạm ngừng" trong sự lo âu, cuối cùng tài xế này cũng đổ được xăng tại một cửa hàng khác trên cùng con đường.
Hóc Môn, Gò Vấp thiếu xăng
Ghi nhận của Zing vào ngày 18/10, một số cây xăng tại quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), đường Nguyễn Oanh và Phan Văn Trị (Gò Vấp), đường Ung Văn Khiêm vẫn còn tình trạng treo biển "hết xăng" hoặc tạm ngưng bán để nhập hàng.
Nhân viên tại cửa hàng xăng dầu số 7 trên đường quốc lộ 22 cho biết xăng đã hết từ sáng và không rõ khi nào sẽ có hàng trở lại.
Một nhân viên khác của cây xăng trên đường Nguyễn Oanh chia sẻ rằng việc hết xăng đã diễn ra từ hôm qua - 17/10 và xăng sẽ được nhập thêm về vào chiều ngày 18/10. Cây xăng này không treo biển thông báo nên nhiều khách hàng vẫn đi vào đổ rồi mới ngỡ ngàng quay xe.
Chị Thái Uyên (28 tuổi, quận Gò Vấp) chia sẻ: "Cách đây 2 ngày tôi vẫn đổ được ở cây xăng này nên yên tâm đi vào mà không biết đã hết hàng". Vì tâm lý lo lắng việc hết xăng tiếp diễn, vị khách này đã đến một cây xăng gần đó để đổ đầy bình và còn gọi điện dặn người thân nhớ đổ thêm xăng khi tan làm về nhà.
Ngoài những khu vực nói trên, theo ghi nhận của Zing, các cây xăng ở quận 7, quận 4, quận 5, quận 3, quận Tân Bình đều hoạt động bình thường, không còn cảnh xếp hàng hay bán giới hạn số lượng.
TP.HCM đủ nguồn hàng cho 10 ngày?
Tuần trước, thời điểm khu vực miền Nam, đặc biệt là TP.HCM diễn ra tình trạng thiếu xăng trầm trọng, cơ quan quản lý, đại diện đầu mối phân phối đều khẳng định cấp tốc tăng nguồn cung, đảm bảo tối thiểu trong 10 ngày,.
Tại buổi họp báo chiều 12/10, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các doanh nghiệp đầu mối đang tăng lượng lớn nguồn hàng để đảm bảo cung ứng 10 ngày tới.
Ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Petrolimex Sài Gòn, cũng khẳng định 10 ngày tới, công ty này nâng nguồn cung cho thị trường TP.HCM lên 400.000 m3. Trong đó, nhà kho tại Nhà Bè đang trữ 300.000 m3, bốn ngày tiếp theo nhập thêm 100.000 m3.
Ông Phạm Văn Thoại, Tổng giám đốc Công ty MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) thì cho biết ngay trong ngày 12/10, công ty đã có hai tàu cập bến với sản lượng 15.000 m3 xăng RON95. Ngày 17/10 sẽ nhập thêm hơn 16.000 m3 xăng RON95 và 4.000 m3 diesel. Ngày 23/10 sẽ thêm hơn 12.000 m3 diesel.
Phản ánh tình trạng thiếu xăng ở những địa điểm trên tại TP.HCM, Zing chưa nhận được phản hồi từ Sở Công Thương cũng như các đầu mối phân phối lớn.
Cách đây một tuần, người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng xăng dầu. 137 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam buộc tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng. Người dân phải xếp hàng nhiều giờ liền
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp khó trước tình hình thiếu nguồn cung, mức chiết khấu tiếp tục giảm sâu.
Trong kỳ điều hành ngày 1/10, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính kịp thời tăng chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/10.
Giá dầu thô tiếp tục biến động nên xăng dầu trong nước dự kiến tăng tiếp trong kỳ tới. Doanh nghiệp dự báo giá xăng tăng hơn 200 đồng/lít, dầu có mức tăng nhẹ hơn.