Tại Argentina, thu nhập trung bình của người dân chỉ khoảng 389 USD/tháng. Hầu hết đều làm cùng lúc 2-3 công việc với 16 tiếng mỗi ngày để trang trải chi phí đắt đỏ.
Nhưng theo Đại sứ quán Argentina tại Qatar, khoảng 35.000 đến 40.000 người hâm mộ đã tới World Cup để cổ vũ cho đội tuyển. Đó là một trong những nhóm cổ động viên nước ngoài đông nhất kỳ World Cup năm nay.
Argentina đã trải qua những cuộc suy thoái triền miên kể từ thập niên 50. Trong nhiều thập kỷ, lạm phát tại nước này đều duy trì ở mức 2 chữ số. Vài tháng qua, đồng peso mất 30% giá trị. Dự trữ ngoại hối và đầu tư nước ngoài cạn kiệt. Niềm tin vào chính quyền Tổng thống Alberto Fernandez cũng chạm đáy.
Nhưng người hâm mộ Argentina vẫn bán của cải và vay mượn để tới kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử. Ở chiều ngược lại, dù lạm phát chỉ khoảng 9%, người hâm mộ Anh vẫn thờ ơ với ngày hội bóng đá xa hoa ở Qatar.
"Tôi đã trắng tay"
Sau chiến thắng của đội nhà trong trận chung kết đầy kịch tính, các đường phố của Argentina đắm chìm trong lễ hội và không khí ăn mừng. Biển người chào đón Messi cùng đồng đội trở về quê nhà. Nhưng một số cổ động viên Argentina ở Qatar thậm chí không còn tiền để mua vé máy bay.
Anh Nicolas Orellano - một luật sư, chủ công ty rượu ở Buenos Aires - đã đốt toàn bộ khoản tiết kiệm, thậm chí vay tiền của bạn gái. Anh tới Tây Ban Nha, sau đó đến London để bay sang Dubai, rồi đi xe bus và tàu hỏa tới Doha.
Anh giờ gần như không còn một xu dính túi. Trước trận chung kết, anh Nicolas sống cùng đoàn cổ động viên Argentina ở Barwa Barahat Al Janoub, phía nam Doha.
"Tôi không còn tiền và không biết về nhà bằng cách nào", The Sun dẫn lời anh Nicolas chia sẻ. Trước trận chung kết giữa Argentina và Pháp, anh cho rằng điều đó không quan trọng vì đội nhà đang tới rất gần cúp vô địch.
Tôi không còn tiền và không biết về nhà bằng cách nào
Anh Nicolas Orellano - một cổ động viên Argentina
"Các chính trị gia ở quê nhà đã làm chúng tôi thất vọng nhưng đội bóng thì không. Họ là niềm hy vọng duy nhất mà chúng tôi có", anh nhấn mạnh.
"Thật điên rồ khi chúng tôi có mặt ở đây dù chẳng có nhiều tiền. Bạn gái vẫn ủng hộ và cho tôi vay 500 USD vì tôi đã cạn tiền", anh Nicolas chia sẻ. "Nhiều người tôi quen còn bán nhà để tới Qatar", anh nói thêm.
"Các cổ đông viên Argentina khác cũng đang sống chật vật. Nhưng họ vẫn ủng hộ tiền để chúng tôi có thể ở lại và cổ vũ cho đội nhà", anh chia sẻ.
Trước trận chung kết, anh Nicolas cho biết mình vẫn chưa mua được vé nhưng sẽ làm mọi cách để chứng kiến đội nhà giành cúp vô địch.
Kết thúc trận chung kết đầy kịch tính, Argentina đánh bại Pháp 4-2 sau loạt luân lưu và giành cúp vàng World Cup lần thứ 3. Với Lionel Messi và La Albiceleste, mọi sự chờ đợi đều là xứng đáng.
Lionel Messi giành được mảnh ghép còn thiếu cuối cùng trong sự nghiệp của một chân sút vĩ đại. La Albiceleste hoàn thành giấc mơ World Cup cho hàng triệu người dân Argentina đang rơi vào cảnh khốn cùng vì khủng hoảng kinh tế.
Người hâm mộ là cầu thủ thứ 12
Anh Javier Mahmud, 36 tuổi, vừa làm kế toán, vừa bán thịt, đã tích cóp nhiều năm để có tiền trả trước cho khoản vay mua nhà. Đó sẽ là ngôi nhà đầu tiên của anh và vợ, cô Carla Barletta. Nhưng cả 2 quyết định dùng toàn bộ khoản tiền này để bay tới Doha.
"Tôi sẽ trắng tay khi về nhà, thậm chí không có tiền để mua quà Giáng sinh. Nhưng tôi không quan tâm và tin rằng gia đình tôi hiểu. Món quà duy nhất mà chúng tôi muốn là World Cup", anh chia sẻ.
Anh Sergio Pendola, một thợ sửa tủ lạnh 30 tuổi, cũng bay từ Buenos Aires tới Doha để xem Messi và đồng đội thi đấu. "Người hâm mộ Argentina là cầu thủ thứ 12 của đội", anh chia sẻ.
"Tôi đã tiêu toàn bộ khoản tiền tiết kiệm 6.000 USD của mình và vay thêm 4.000 USD. Nhưng nhiều người quanh tôi còn chi nhiều hơn", anh chia sẻ.
Anh Gaston Didier-Lardet, 33 tuổi, đến từ tỉnh San Luis (Argentina), đang làm việc tại một khu mỏ ở Australia. Anh đã bay 12 tiếng để tới Doha. Tại đó, anh sống trong một khu nhà thấp tầng ở làng cổ động viên Argentina.
"Cảm giác như đang ở nhà. Chúng tôi được bao quanh bởi người hâm mộ với tiệc nước và âm nhạc", anh chia sẻ.
Anh cho biết đã chi khoảng 10.000 USD nhưng rất khó để giải thích vì sao. "Tôi chỉ cần ở đây", cổ động viên người Argentina nói thêm.