Giảm giá thành là một trong các lý do khiến nhiều hãng ôtô Việt chọn cách cắt bớt các tính năng (option) trên xe. Tuy vậy một bộ phận người dùng Việt Nam vẫn muốn tìm cách “mở khóa” các tùy chọn này để có thể trải nghiệm chiếc xe một cách trọn vẹn nhất.
Trong số đó, nhờ cậy đến các xưởng độ chế ôtô là biện pháp thường được ưu tiên lựa chọn.
Nhu cầu khôi phục "option"
Anh Nguyễn Đức (Thái Nguyên), một thợ ôtô lành nghề, nhận định việc phục hồi các option trên xe nhìn chung khá đơn giản.
“Có hai hình thức để hãng ‘cắt’ option trên xe. Thứ nhất, phần điều khiển của xe vẫn được lập trình sẵn tính năng đó, nghĩa là trên xe chỉ thiếu thiết bị vận hành. Thứ hai là phần mềm của xe thiếu các option do phiên bản thị trường hoặc yêu cầu của hãng phân phối", anh Đức cho biết.
Với trường hợp đầu tiên, anh Đức cho biết chỉ cần lắp phím hoặc công tắc thao tác vào là có thể dùng được tính năng bị ẩn, không cần can thiệp nhiều vào hệ thống trên xe.
Anh này ví dụ trên hộp điều khiển của các mẫu xe như Kia Morning, Toyota Vios hay Hyundai Accent đều đã có sẵn tính năng Cruise Control (ga tự động giữ tốc độ). Do đó thợ chỉ cần lắp đặt thêm bộ nút bấm ngay trên vô lăng hoặc lẫy phía sau tùy xe là có thể sử dụng được tính năng này.
Riêng trong trường hợp thứ hai, thợ ôtô dày dặn kinh nghiệm này cho biết cần phải có sự can thiệp của thiết bị và tài khoản của hãng để thay đổi phần mềm.
“Các gói phần mềm trong hãng đã có sẵn, chỉ cần chạy đúng phiên bản phù hợp là xong”, anh Đức kết luận.
Cũng theo anh Đức, các option mà người dùng ôtô Việt thường tìm cách “mở khóa” bao gồm điều khiển âm thanh trên vô lăng, Autolock, Cruise Control, theo dõi áp suất lốp hay giới hạn tốc độ (LIM).
Anh Phi Hùng (quận 11, TP.HCM) cho biết vừa gắn thêm thiết bị cảm biến áp suất lốp cho chiếc Honda City vừa mua.
“Tôi tham khảo và quyết định chọn một xưởng độ ôtô tại quận 5 với giá bao công lắp đặt là 2,8 triệu đồng”, anh Hùng cho biết.
Anh Hùng chia sẻ màn hình hiển thị áp suất bốn lốp xe được gắn vào đúng vị trí cổng chờ có sẵn trên chiếc City.
Theo anh Hùng, garage cam kết việc gắn cảm biến áp suất lốp không ảnh hưởng gì đến hệ thống xe, vì vậy anh không cần lo lắng về khả năng mất hiệu lực bảo hành.
Chia sẻ với Zing, một xưởng độ xe tại quận Tân Bình cho hay mặc dù nhu cầu khôi phục tính năng ẩn không nhiều, mỗi tháng anh đều tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp khách hàng ghé qua để dò hỏi về khả năng "mở khóa" option trên ôtô.
“Trong số các khách hàng hỏi thăm, chỉ có chừng một nửa quyết định làm. Các tính năng được quan tâm khôi phục thường là Cruise Control, tự động lên kính khi khóa cửa xe hay cảm biến áp suất lốp”, nhân viên tại xưởng độ này cho biết.
Có tính năng không nên khôi phục
Tuy vậy đối với một số tính năng ẩn, việc tự ý kích hoạt tại các garage bên ngoài có thể khiến chủ xe bị mất quyền lợi bảo hành.
Hầu hết ôtô hiện nay đều được hưởng chế độ bảo hành 3-5 năm hoặc khoảng 100.000 km. Trong thời gian này nếu chủ xe tự ý can thiệp vào hệ thống xe mà không thông qua hãng khiến phương tiện bị hư hỏng, dù một phần hay toàn bộ xe, thì hoàn toàn có thể bị hãng từ chối bảo hành.
Trao đổi với Zing, nhân viên một hãng ôtô tại Việt Nam xác nhận một số tính năng bị hãng xe tắt đi. Người này cũng cho biết nếu khách hàng muốn kích hoạt thì nên trao đổi với hãng, có thể sẽ được hỗ trợ để mở khóa.
“Hãng sẽ cho lời khuyên đến chủ xe, với các lưu ý liên quan đến vấn đề an toàn. Các tính năng không phù hợp với điều kiện vận hành ở Việt Nam, có nguy cơ gây hư hỏng xe thì không được mở”, nhân viên này tiết lộ.
Người này cũng xác nhận bảo hành trên ôtô sẽ mất hiệu lực trong trường hợp xe bị hư hỏng trong quá trình can thiệp tại các garage bên ngoài nhằm “mở khóa” option.
Khi được hỏi về chi phí để “mở khóa” tính năng ẩn trên ôtô do chính hãng thực hiện, nhân viên này cho biết mức giá sẽ không cao, nhưng từ chối tiết lộ cụ thể.
“Một số trường hợp đơn giản thì hãng sẽ làm miễn phí luôn”, người này cho biết.
Hiểu đúng về “cắt” option trên ôtô
Anh Lê Thượng Tiến, một reviewer ôtô xe máy có tiếng tại Việt Nam, khẳng định với Zing không có chuyện hãng “cắt” option mà là các nhà máy hoặc đại lý phân phối sẽ chọn option cho xe lắp ráp hoặc nhập khẩu.
Việc chọn option này là một bài toán cân đo đong đếm về nhu cầu, giá, chiến lược marketing, cũng như sự phù hợp thị trường sao cho chiếc xe đủ lợi thế cạnh tranh, giá không quá cao, và trang bị này cũng đảm bảo hoạt động tốt trong suốt thời gian bảo hành.
Cũng theo anh Tiến, việc chọn không đúng hoặc dư option dành cho từng thị trường sẽ tạo áp lực lên bộ phận bảo hành và hậu mãi của hãng xe nếu trang bị đó thường xuyên gặp trục trặc. Việc này còn dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, từ đó mất đi sức cạnh tranh về giá với các đối thủ.
Tất nhiên trong bối cảnh các hãng xe đang cạnh tranh với nhau rất khốc liệt, việc có nhiều trang bị cũng giúp tăng sức hút của mẫu xe trên thị trường. Tuy nhiên người dùng cũng cần quan tâm tới tính hiệu quả của các option trong quá trình sử dụng xe, hoặc đôi khi là cả độ bền, khả năng phát sinh lỗi của các tính năng trước khi quyết định có nên mở khóa hết các tính năng được các hãng ấn trên xe hay không.