Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, đối với thị trường lao động trong nước, đến thời điểm này, đơn vị đã tiếp nhận hơn 10.000 việc làm từ các doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất giày da, sản xuất điện tử, sản xuất khuôn đúc vỏ điện thoại, đồng hồ...
Trong đó, riêng Khu công nghiệp WHA đang cần hơn 2.000 lao động phổ thông và nhân viên văn phòng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT Nghệ An cần 1.000 công nhân sản xuất điện tử, Công ty Cổ phần may Minh Anh Tân Kỳ cần tuyển 500 công nhân may mặc. Ngoài ra, nhu cầu việc làm ngoại tỉnh cũng rất cao như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cần 300 lao động là nhân viên, kỹ thuật sản xuất, nhân viên bảo dưỡng, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cần 700 công nhân kỹ thuật làm trong lĩnh vực lắp ráp ti vi với mức lương từ 10 - 13 triệu đồng/tháng.
Theo kế hoạch năm 2024, một số doanh nghiệp lớn sẽ đi vào hoạt động chính thức, do đó nhu cầu tuyển dụng lao động tại Nghệ An tăng cao.Dự kiến, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng thêm khoảng hơn 15.000 lao động. Trong tổng nhu cầu nhân lực này, có 4 nhóm ngành đứng đầu với nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Lĩnh vực điện tử cần khoảng 300 – 7.500 nhân lực. Lĩnh vực may mặc cần khoảng 500– 3.800 nhân lực. Lĩnh vực thủ công cần khoảng hơn 1.000 nhân lực. Riêng nhóm cơ khí – luyện kim cần 1.000 nhân lực.
Ngoài ra, Tập đoàn Giày da Hoa Lợi, các "ông lớn" về điện tử (như Foxcon, Everwin, Juteng) cũng sẽ đưa vào vận hành nhà máy trong năm 2024, nên nhu cầu sử dụng lao động tại Nghệ An cũng sẽ tăng theo.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, xu hướng tìm việc của người lao động năm 2024 sẽ thay đổi theo hướng làm việc linh hoạt, trong đó mức lương là nhân tố then chốt khi lựa chọn nơi làm việc của người lao động. Người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển các kỹ ngoại ngữ như tiếng Trung, tiếng Anh và thích ứng với thay đổi về kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ số; đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới.
Về thị trường lao động ngoài nước, thị trường lao động Hàn Quốc được nhiều lao động tại tỉnh này lựa chọn, nhất là sau khi Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với 3 địa phương ở Nghệ An là Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò. Trước tết, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn và số lao động đăng ký đến từ các địa phương này chiếm khá lớn. Ngoài ra, có nhiều thị trường cho lao động lựa chọn như: Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Algeria với nhiều ngành nghề khác nhau như: chế biến thực phẩm, cơ khí, xây dựng, may công nghiệp. Hiện đa số lao động trong tỉnh đang có xu hướng tìm đến thị trường lao động nước ngoài do sức hút về thu nhập gấp 5-8 lần thu nhập trong nước.
Năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An giải quyết việc làm cho trên 45.500 người. Trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 24.000 người, chiếm hơn 53% lao động được giải quyết việc làm của tỉnh.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm lưu động, 38 phiên giao dịch việc làm online. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, 64.600 vị trí việc làm trong và ngoài tỉnh đã được giới thiệu, kết nối đến người lao động.