“Anh chị là người may mắn mới được công ty em mời tham dự hội thảo”, “Duy nhất trong ngày hôm nay, công ty sẽ có 5 suất hợp đồng ưu đãi, mai là không còn nữa”, “Công ty xin gửi tặng anh chị voucher nghỉ dưỡng và vé máy bay khứ hồi miễn phí khi tham dự sự kiện”...
Những lời lẽ như “rót mật vào tai” của tư vấn viên và quản lý của Công ty Holidays Việt Nam đã thôi thúc nhiều khách hàng ký các bản hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người mệt mỏi với chuỗi ngày dài đòi tiền, thay vì những kỳ nghỉ tại khách sạn 5 sao.
Cái giá của sự miễn phí
Mọi chuyện bắt đầu từ những cuộc gọi. Bắt đầu từ tháng 3, chị T.H (50 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các công ty du lịch. Điểm chung của các đơn vị này là họ luôn “hào phóng” tặng cho khách hàng các voucher nghỉ dưỡng hoàn toàn miễn phí.
“Họ bảo tôi đến đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch. Khi về sẽ được tặng vé máy bay và voucher nghỉ dưỡng miễn phí tại khách sạn hạng sang. Buổi hội thảo cũng chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ”, chị T.H cho biết.
Tuy nhiên, người khách hàng nhận ra những tấm voucher này rất lạ. Không có dấu đỏ của công ty, không có chữ ký lãnh đạo, những tấm phiếu quà tặng này có thể dễ dàng được in ấn, sao chép với số lượng hàng loạt. Quan trọng nhất, khách hàng rất khó khăn để sử dụng những tấm voucher này.
“Khi tôi đặt khách sạn, nhân viên công ty cho biết phòng đã hết sạch. Voucher vé máy bay cũng chưa bao gồm thuế VAT, lệ phí sân bay và các khoản chi phí khác. Nếu vẫn muốn đặt vé máy bay, tổng số tiền mà khách hàng phải đóng thêm lên tới 1,8 triệu đồng/người”, chị T.H chia sẻ.
Dùng voucher để thu hút người đến hội thảo là kịch bản chung được Công ty Holidays Việt Nam áp dụng cho nhiều khách hàng. Khi đến tham gia hội thảo, chị T.H được dẫn vào một căn phòng rộng hơn 40 m2. Tại đây có khoảng hơn 10 vị khách hàng khác, đa phần là phụ nữ trong độ tuổi trung niên.
“Đầu tiên, mọi người sẽ được lắng nghe về tiểu sử của công ty. Họ tự nhận mình là đơn vị hàng đầu trong ngành và có sự hợp tác với các thương hiệu khách sạn cao cấp. Tiếp theo, mỗi người sẽ được một bạn tư vấn viên đến chia sẻ về thẻ nghỉ dưỡng”, chị T.H nói.
Trong quá trình giới thiệu về tấm thẻ, công ty tự nhận mình có liên kết với chuỗi khách sạn Movenpick. Ngoài ra, tư vấn viên luôn thúc giục chị T.H ký hợp đồng ngay tại buổi hội thảo vì sẽ được giảm giá đến 40%. Không chỉ vậy, người mua có thể chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng cho công ty nếu sau này đổi ý.
Do cảm thấy hợp đồng có nhiều điều khoản chưa sáng tỏ, chị T.H đã quyết định từ chối và ra về. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị thuyết phục bởi lời mời chào của tư vấn viên và đặt bút ký hợp đồng trị giá cả trăm triệu đồng. Và đó chính là câu chuyện của bà T.T (70 tuổi, sinh sống tại Hà Nội).
Những lời hứa hẹn không hồi kết
Trao đổi với phóng viên, bà T.T cho biết bản thân đã ký hợp đồng, mua thẻ nghỉ dưỡng trị giá 195 triệu đồng của Công ty Holidays Việt Nam vào tháng 11/2022. Tại thời điểm tham dự hội thảo, bà đã được tư vấn viên nói rằng doanh nghiệp có liên kết với chuỗi khách sạn Movenpick và Vietnam Airlines.
“Khi tôi yêu cầu được xem văn bản ký kết của công ty với Movenpick, người tư vấn viên đã đưa ra một bản tiếng Anh rất dày và không phải văn bản tôi yêu cầu. Sau đó, tôi đã gọi điện trực tiếp tới khách sạn trên và được biết 2 đơn vị này không hề có sự liên kết với nhau”, bà T.T chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà T.T cho biết khi bản thân có khúc mắc cần giải đáp, việc liên hệ với tư vấn viên, hotline hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng rất khó khăn. Bà gọi nhiều lần nhưng không ai nghe máy. Trong trường hợp hãn hữu có nhân viên bắt máy, họ cũng sẽ trả lời loanh quanh và hẹn báo lại cho tư vấn viên cùng quản lý. Tuy nhiên, nếu bà T.T không chủ động nhắc nhở, họ cũng sẽ lẳng lặng và không thông báo lại.
“Công ty Holidays Việt Nam cố tình né tránh, không thực hiện yêu cầu bằng văn bản của chủ sở hữu như đã hứa khi tư vấn tại hội thảo. Khi ký hợp đồng, tôi có ký ngay bản yêu cầu chuyển nhượng kỳ nghỉ năm 2022. Khi đó, tư vấn viên hứa hẹn sẽ tìm được khách thuê với giá 4 triệu đồng/đêm, 7 đêm sẽ là 28 triệu đồng”, bà T.T chia sẻ.
Tuy nhiên, dù đã qua đợt nghỉ Tết Dương lịch nhưng phía bên công ty này vẫn chưa thông báo tìm được khách thuê. Vì quá sốt ruột, đến ngày 15/2, bà T.T đã trực tiếp đến công ty và gặp người tư vấn viên đã cam kết với mình.
“Người tư vấn viên đó nói hiện giá bán thấp quá, muốn để dành dịp khác để bán với giá cao hơn. Khi ấy, tôi cảm thấy công ty có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy, tôi đã yêu cầu chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng”, bà T.T cho biết.
Công ty Holidays Việt Nam lại tiếp tục hứa hẹn sẽ giải quyết trường hợp của bà T.T, chậm nhất là tới đầu tháng 6. Tuy nhiên, đến ngày 15/6, bà vẫn chưa nhận được hồi âm của doanh nghiệp. Lúc này, bà T.T lại tiếp tục đích thân lên trụ sở của đơn vị này để đòi quyền lợi.
“Khi tôi lên gặp người tư vấn viên đó, cậu ta đã chối bỏ hoàn toàn những cam kết trước kia. Thậm chí, anh ta còn nói chỉ cho thuê được với giá 1 triệu đồng/đêm. Phía công ty cũng xác nhận không hề có nghĩa vụ tìm khách thuê cho chủ hợp đồng như những gì người tư vấn viên kia đã nói lúc đầu”, bà T.T nói.
Khi đọc rõ các điều khoản trong hợp đồng, bà T.T còn sững sờ hơn nữa. Ở trang 16, điều 12.5 của hợp đồng có ghi đại lý Holidays Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm về lời nói, tuyên bố… của nhân viên, người lao động của công ty.
“Phải chăng doanh nghiệp này đã chuẩn bị sẵn cho sự lừa đảo khách hàng thông qua việc dung túng hoặc chỉ đạo các tư vấn viên nói sai sự thật về quyền lợi của chủ sở hữu. Từ đó, họ dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng mà không phải chịu trách nhiệm gì”, bà T.T nghi vấn.
Tương tự, tại TP.HCM, PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái (quận Bình Thạnh) cũng tố Công ty Holidays Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo. Bà đã vội vàng ký hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ mà không tìm hiểu kỹ và thanh toán số tiền 100 triệu đồng (giá trị hợp đồng 195 triệu đồng). Đến nay, dù đã liên hệ với Công ty Holidays Việt Nam, bà vẫn chưa thể đòi lại được tiền đã đóng.
Cẩn trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Travelogy Việt Nam, cho biết mô hình chia sẻ kỳ nghỉ (timeshare) đã phát triển rầm rộ trong những năm gần đây tại Việt Nam.
Xét về ưu điểm, những chương trình này có tính linh hoạt cao, khách hàng có thể trao tặng, mời bạn bè tham gia cùng chuyến đi. Ngoài ra, vào thời kỳ cao điểm du lịch, khách hàng cũng không phải trả thêm chi phí phát sinh. Bên cạnh đó, những tấm thẻ du lịch này còn phần nào thể hiện giá trị, địa vị của cá nhân trong xã hội.
Các công ty timeshare không vận hành giống các công ty du lịch. Những bộ phận như bán tour, điều hành, quản lý, chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Travelogy Việt Nam
Tuy nhiên, những công ty kinh doanh mô hình như trên vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn nằm trong cách vận hành, do đó có thể bị lợi dụng mô hình này để lừa đảo.
“Các công ty timeshare không vận hành giống các công ty du lịch. Những bộ phận như bán tour, điều hành, quản lý, chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế”, ông Vũ Văn Tuyên cho biết.
Chính vì lẽ đó, khi khách hàng gặp sự cố không mong muốn. Bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty này sẽ rất khó để can thiệp và giải quyết.
"Thêm vào đó, mô hình timeshare thường chỉ dành cho những khu du lịch nghỉ dưỡng 4-5 sao và cần có một hệ thống toàn cầu, giúp cho khách hàng dễ dàng trao đổi kỳ nghỉ với nhau. Điều này ở Việt Nam hiện còn rất hạn chế, số lượng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn khiêm tốn", ông Tuyên nhận định.
Với hình thức sở hữu chung, bản thân khách hàng có thể gặp phải những bất tiện trong quá trình sử dụng căn hộ. Ngoài ra, việc vận hành, bảo dưỡng căn hộ, resort cũng sẽ phát sinh nhiều chi phí tốn kém.
Trước các sự việc gần đây liên quan đến Công ty Holidays Việt Nam, ông Tuyên cho rằng du khách cần giữ thái độ thận trọng và kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn trước khi ký kết hợp đồng.
“Người mua nên đọc kỹ hợp đồng, tìm hiểu các thông tin cơ bản của đơn vị, chẳng hạn như kiểm tra giấy phép, chức năng đăng ký kinh doanh của công ty…”, ông Tuyên nhận định.
Không chỉ vậy, trước các tấm voucher vé máy bay miễn phí, khách hàng có thể gọi cho hãng hàng không và yêu cầu kiểm tra mã code mà công ty đó đã đặt. Từ đó, khách hàng sẽ biết được tình trạng thanh toán của tấm vé. Với các tấm voucher khách sạn, người nhận cũng có thể thực hiện hành động kiểm tra tương tự bằng cách gọi vào hotline của cơ sở lưu trú.
Đối với trường hợp của Công ty Holidays Việt Nam, ngày 25/5, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông của Vietnam Airlines cho biết sau khi rà soát với tất cả các đầu mối có liên quan trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cho đến thời điểm này, tất cả các đơn vị thương mại của đơn vị đều khẳng định không có bất cứ hợp tác nào với công ty này.
Ngày 26/5, bộ phận phụ trách báo chí của Ngân hàng quân đội MB cũng xác nhận ngân hàng này không có quan hệ hợp tác với Công ty Holidays Việt Nam.
Ngày 29/5, đại diện chuỗi khách sạn Movenpick Cam Ranh và đại diện chuỗi Movenpick Phú Quốc xác nhận không có hợp tác hay ủy quyền với Công ty Holidays Việt Nam.
Phía Công ty Holidays Việt Nam cũng đã thừa nhận những sai sót trong việc quản lý, quán triệt nội dung tới các nhân viên tư vấn, đội ngũ sale. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang dần hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, phản ánh với phóng viên, nhiều người vẫn chưa thể lấy lại được tiền và vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trao đổi với công ty.