Chị Lê Thanh Thúy, ngụ tại quận 7 TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên chị dùng thẻ tín dụng trong tết và khá bất ngờ vì con số thực tế đã chi qua thẻ tín dụng.
“Vì có chương trình mở thẻ tín dụng lần đầu sẽ được nhiều ưu đãi, cộng với việc qua Tết mới có thưởng, nên giữa tháng 1 mình có đăng ký một thẻ để dùng trước. Mình hơi bất ngờ vì chỉ mới 2 tuần sử dụng mà đã tiêu hết 70 triệu trong tài khoản, gấp đôi chi phí sinh hoạt thường ngày. Sau khi kiểm tra lại thì đây chủ yếu là các khoản mua sắm để thưởng cho bản thân và hiếu hỷ với người thân. Nếu tính cả lãi, sau khi thanh toán toàn bộ chi phí, kỳ nhận lương sắp tới mình chỉ còn vài ngày phí sinh hoạt và chuyện thắt lưng buộc bụng gần như là điều chắc chắn”, chị Thúy chia sẻ.
Trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ tại quận 5, TP.HCM cũng chia sẻ, Tết năm nay anh đã chi hơn 90 triệu với thẻ tín dụng.
“Hiện mình có 2 thẻ, một cho du lịch và cái còn lại là thẻ hoàn tiền (cashback). Để sắm Tết cho gia đình, mình đã dùng khoảng 37 triệu trong thẻ cashback. Để du xuân thì mình lại dùng thêm 56 triệu ở thẻ du lịch. Tổng chi cho Tết này là hơn 90 triệu, chưa tính lãi suất và các loại chi phí khác. Với mình, khoản chi cho du lịch này đã dự tính nên chỉ bất ngờ với khoản chi phí tiêu dùng đã tăng lên khá nhiều so với thường nhật”, anh Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Ngô Ngọc Quang, chuyên gia hoạch định tài chính, Tết là dịp đặc biệt, mọi người thường sẽ có tâm lý thả lỏng hơn với chi tiêu. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có những rào cản nhất định trong việc mở rộng hầu bao.
Ví dụ lương thưởng thấp, hay sau Tết mới được nhận; phần lớn tài sản đã nằm ở tiết kiệm hoặc đầu tư chưa thể đáo hạn,... Thông thường, thẻ tín dụng sẽ là một trong các trường hợp được tìm đến.
“Các loại thẻ này không chỉ được dùng trước trả sau mà còn nhiều ưu điểm khác như tiện lợi với nhiều điểm chấp nhận thanh toán, được chiết khấu từ 5-7% khi mua sắm, an toàn, bảo mật,...Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lại không biết cách quản lý tốt những chiếc thẻ tín dụng dẫn đến cảnh “vung tay quá trán” hoặc kết thúc Tết là cả năm đi làm chỉ để trả nợ thẻ tín dụng”, ông Quang chia sẻ.
Chuyên gia nói thêm, thông thường, thẻ tín dụng có 30-60 ngày miễn lãi từ khi phát sinh giao dịch. Vậy các chủ thẻ sẽ có hơn một tháng sau Tết để đi làm, nhận lương và thanh toán đầy đủ số tiền thẻ tín dụng đã chi tiêu, tuỳ vào thời điểm kết toán hàng tháng. Khi thời gian miễn lãi đã qua, lãi suất người dùng thẻ phải trả dao động từ 25-40%/năm tùy ngân hàng. Trên tinh thần đó, người chi tiêu bằng thẻ tín dụng phải là người có ý thức hoàn thành các nghĩa vụ nợ đúng hạn và có kỷ luật với tình hình tài chính của mình.
“Trong trường hợp chưa đủ tiền để trả hết hoàn toàn dư nợ, các chủ thẻ cũng có thể cân nhắc thanh toán số dư tối thiểu mà khoản tín dụng yêu cầu. Việc này để tránh ảnh hưởng quá nhiều đến các hệ số tín nhiệm đồng thời giảm thiểu các chi phí phát sinh thêm, ảnh hưởng đến các lần vay sau. Ngoài ra, người dùng cũng có thể liên hệ ngân hàng làm thủ tục giãn hoãn nợ vay”, ông Quang khuyến nghị.
Hiện đa phần các ngân hàng cho phép chia nhỏ khoản tín dụng lớn hơn 10 triệu để trả từng tháng theo chu kỳ 3-6-9-12 tháng, với lãi suất vay thấp hơn vay tín chấp. Điều này giúp người dùng thẻ có thể linh động hoàn thành các nghĩa vụ nợ của mình.
Việc sử dụng thẻ tín dụng kỷ luật và cam kết trả toàn bộ nợ trước hạn hoặc đúng hạn là phương pháp sử dụng nợ thông minh cũng như có nhiều lợi ích. Bên cạnh đó, sử dụng thẻ tín dụng sau một thời gian sẽ tạo ra hạn mức tín dụng tương đối khoảng 3-6 tháng thu nhập, có thể dùng cho các khoản dự phòng khẩn cấp.
“Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng thói quen tiêu xài thẻ tín dụng không có kiểm soát sẽ khiến bạn nhanh chóng trở thành “con nợ” của thẻ. Việc phân định rõ các nhu cầu thiết yếu và nhu cầu mua sắm, đồng thời phân bổ tỷ lệ chi tiêu hợp lý dựa trên nguồn thu nhập sẽ giúp người tiêu dùng quản lý tài chính hiệu quả. Thẻ tín dụng cũng chỉ là một phương tiện thanh toán, việc nó có hữu dụng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào chính người dùng”, ông Quang nói.