Theo báo cáo thị trường nhà ở quý 1 của Cushman & Wakefield Việt Nam, TP.HCM có hơn 1.647 căn hộ được mở bán mới từ cả dự án hiện hữu và dự án sơ cấp mới, tăng khoảng 49% so với nguồn cung mới trong quý 4/2022, nhưng giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Còn đối với thị trường nhà liền thổ, quý 1/2023 chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới tại TP.HCM với duy nhất 56 căn mở bán mới từ các dự án hiện hữu.
Tại thị trường Hà Nội, tâm lý e ngại mở bán các cự án mới của các chủ đầu tư cũng được thể hiện khi nguồn cung tiếp tục chững lại, chỉ còn hơn 2.000 căn mở bán, giảm 4% theo quý và giảm 11% theo năm. Trong đó, tất cả các dự án mở bán trong quý 1 đều đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Ở diễn biến thị trường nhà liền thổ không có nguồn cung mới nào được bán ra. Trong khi đó, quý 1/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về lượng tiêu thụ tại Hà Nội với 35 căn bán được, giảm 51% so với cùng kỳ quý trước và 92% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, vấn đề thanh khoản vẫn còn rất chậm. Ở phân khúc nhà liền thổ, quý 1có khoảng 42 căn phát sinh giao dịch, giảm 76% so với quý 4/2022. Với phân khúc căn hộ, tổng giao dịch 1.300 căn, tăng 32%, có tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, quý 1 gần như không có dự án mở bán đối với phân khúc nhà liền thổ, phân khúc căn hộ.
Dưới góc độ là Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam bà nhận định, nếu chỉ nhìn thị trường bất động sản chỉ là nhà ở thôi thì không khách quan. Bởi bất động sản bao gồm một số phân khúc khác để phục vụ cho nền kinh tế, ví dụ như: phân khúc bất động sản thương mại, phân khúc bất động sản văn phòng, phân khúc bất động sản công nghiệp và logistic, phân khúc bất động sản về data center, lưu trữ dữ liệu... Những phân khúc này sôi động, nhu cầu cao.
Về thị trường bất động sản trong quý 2/2023, bà chia sẻ: “thị trường nhà ở vẫn còn trầm lắng. Thị trường, nhà đầu tư cần thời gian quan sát. Đặc biệt, một trong những yếu tố tác động đến thanh khoản của thị trường hiện nay là lãi suất ngân hàng ở mức cao, lãi vay hơn 10%, lãi suất huy động ở quý 1 có thời điểm lên 9,7-10%. Do đó, nhiều người có tiền lại cân nhắc gửi ngân hàng, từ 6 tháng đến 1 năm”.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, các dự án bất động sản, có những dự án đã hoàn thành, có những dự án đã xong nhưng vẫn chưa xử lý được, có những dự án đang dở dang nhưng thủ tục còn vướng hoặc năng lực chủ đầu tư không triển khai được nữa bởi vì khó khăn của thị trường, siết chặt tín dụng, khó khăn về tiền tệ,…
Cần có giải pháp đối với từng vấn đề cụ thể, những dự án đã xong, đã hoàn thành thì phải tập trung ngay vào những dự án này, tập trung tháo gỡ pháp lý. Cần tập trung vào các nhóm này để làm thế nào đó cho các dự án phù hợp với nhu cầu của xã hội, của người dân thì nên có động thái quyết liệt. Bởi vì dự án đã xong thì tức là sự đầu tư vào đây cực kỳ lớn rồi và đang bị đọng lại, trong khi xã hội lại đang cần có hàng hóa để mua bán giao dịch.
“Rõ ràng, phải tìm cách gỡ mạnh hơn để đưa vào thị trường các nguồn hàng và như vậy sẽ có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh tế”, ông Nguyễn Văn Đính cho biết.