Khi đi mua sắm cho Tết Nguyên đán, bà nội trợ họ Park (33 tuổi) bất ngờ trước giá cả của các mặt hàng thực phẩm.
"Tôi đã chi nhiều hơn 100.000 won (81 USD) so với năm ngoái. Giá tất cả mặt hàng đều tăng, từ thịt đến trái cây, rau quả. Dù chỉ mua những thứ cần và đúng số lượng, tôi vẫn tốn nhiều tiền hơn trước", Park nói với Korea Times.
Kim (59 tuổi, nhân viên cửa hàng bán lẻ) cho biết bà chỉ dám mua lượng thực phẩm bằng 1/2 so với dịp Tết năm ngoái.
"Nếu năm ngoái tôi mua 10 quả táo thì năm nay chỉ mua 5. Hoặc như các năm trước, tôi hay mua 3 quả lê để bày trên mâm cúng tổ tiên và thêm vài quả để ăn cùng gia đình thì năm nay chỉ mua đúng 3 quả. Lạm phát đang thực sự làm khó tôi", bà nói.
Tranh thủ mua sắm trước kỳ nghỉ lễ, nhiều người tiêu dùng không khỏi thở dài sau khi nhìn thấy bảng giá thực phẩm ở cả cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống. Một khay trứng năm ngoái có giá khoảng 5.000 won nay đã tăng lên gần 7.000 won.
Theo Korea Price Information, so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí để chuẩn bị cho các nghi lễ cúng tổ tiên dịp Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc đã tăng lần lượt 2,1% và 4,1% khi mua sắm tại cửa hàng bán lẻ (359.540 won) và chợ truyền thống (254.500 won). Đây là mức lạm phát cao nhất trong những năm gần đây.
Giá nông sản và thực phẩm chế biến như đồ ăn nhẹ đều tăng vọt. Nhiều người phải tìm đến các thương hiệu rẻ hơn hoặc sản phẩm giảm giá, chương trình "mua 1 tặng 1".
Tại chợ truyền thống Huam ở Seoul, nhiều người tiêu dùng đang trao đổi về giá thịt và không mua bất kỳ loại nào đặc biệt đắt tiền.
"Trước đây, chúng tôi thường nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt trước phần nạc lưng bò giá cao nhưng năm nay hầu như không có. Tôi nghĩ tình trạng còn tồi tệ hơn so với thời gian đầu đại dịch Covid-19", một người bán thịt họ Lee tại chợ truyền thống chia sẻ.