Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 mới đây, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng, các Bộ, ban ngành thường xuyên tổ chức các cuộc họp, rất trăn trở về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn như ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, thủ tục hành chính còn bất cập, tình trạng thiếu điện ở một số địa phương, sức mua thị trường giảm, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt là lao động có tay nghề cao và bất cập trong phòng cháy chữa cháy...
Tuy nhiên, Cục trưởng cũng chỉ ra tín hiệu đáng mừng, là xu hướng đầu tư vào Việt Nam vẫn khởi sắc.
Phía Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá rất cao Việt Nam để đầu tư lâu dài. Mỹ đang khuyến cáo các doanh nghiệp mở rộng ra ngoài Trung Quốc để tránh việc phụ thuộc. Châu Âu, đầu năm 2022, EU đã dẫn đoàn doanh nghiệp rất lớn sang Việt Nam, và theo một khảo sát, 90% các doanh nghiệp Đức khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, mặc dù nhận thức rõ Việt Nam đang có những khó khăn như vậy. Hà Lan cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo...
Đặc biệt, ông Hoàng nhắc tới các nhà đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc).
"Những năm gần đây, rất nhiều đoàn doanh nghiệp Đài Loan trong ngành cơ, điện tử đã vào Việt Nam khảo sát , mỗi lần vào đều là các doanh nghiệp đã chọn Việt Nam rồi, sau đó chỉ chọn là ở đâu (địa phương nào - PV) thôi" - lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cũng tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tiết lộ, hàng chục dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang chờ đầu tư vào Việt Nam, sẽ ký các biên bản ghi nhớ (MOU) trăm triệu USD, có dự án lên đến cả tỷ USD.
Việt Nam kiên định thu hút đầu tư có chọn lọc
Để thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Hoàng cho biết, Việt Nam kiên định với việc thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng hiệu quả, công nghệ, môi trường để đánh giá chủ yếu, hướng tới các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao. Các lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư gồm điện, điện tử, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao.
Lãnh đạo này cũng khẳng định Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan, đấu thầu,...
Đồng thời, Chính phủ sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giảm mặt bằng lãi suất huy động vốn cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu đầu tư, phát huy các hiệp định FTA đã ký kết.
Thủ tướng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xử lý nhanh các thủ tục hành chính để doanh nghiệp sớm tham gia thị trường, xây dựng cơ chế đột phá như trung tâm tài chính tại TP. HCM, Đà Nẵng , thu hút nguồn tài chính đến để lan tỏa cùng nguồn vốn đầu tư, công nghệ, sản xuất, tạo hệ sinh thái cộng hưởng phát triển.
Cục Đàu tư nước ngooài cũng đang xây dựng chiến lược phát triển một số ngành trọng điểm như hydrogen, chất bán dẫn, điện tử, công nghiệp phụ trợ, các ngành liên kết công nghệ quốc tế nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm các chính sách linh hoạt để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và Nhà nước, đồng thời không vi phạm các cam kết của OECD, thông lệ quốc tế.
Các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, đất sạch, năng lượng và nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn.